Người Lai Tạo Cá Betta Rồng Đầu Tiên Tại Việt Nam | www.BettaSales.net

Đến nhà anh Tô Minh để tận mắt chứng kiến những chú cá Betta tuyệt đẹp, những đàn cá con khỏe mạnh xinh xắn, và nhất là để thấy được cách anh chăm sóc tận tình tỷ mỷ đối với chúng, thì mới thấy được anh là người đam mê cá betta đến dường nào…

Và khi ra về, một phần nào đó tôi đã tự trả lời được câu hỏi của mình “Tại sao Anh lại là người đầu tiên cho lai tạo thành công cá Betta Rồng – một loại cá quý hiếm – mà không phải là một người nào khác? ”

Phải chăng, đó cũng là một phần thưởng thú vị của cuộc sống ban tặng cho Anh, một con người hết lòng nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được đến cho mọi người…
___________________

1/ Chào Anh. Xin Anh giới thiệu đôi nét về mình.

Chào các bạn, tôi tên là Tô Minh, 42 tuổi, hiện là huấn luyện viên thể thao bộ môn bóng bàn. Đang cư ngụ tại 195 Lý Tự Trọng quận 1 tpHCM.

2/ Được biết trước đây gia đình anh có mở cửa hàng kinh doanh bán cá cảnh, sao gia đình anh không tiếp tục việc kinh doanh này?

Trước đây vào thời bao cấp, để phụ giúp cho ba mẹ và tăng thêm thu nhập cho gia đình (bố tôi khi đó làm CBCNV, mẹ tôi mất sức lao động) nên 3 anh em chúng tôi đã mở cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Sau này khi trưởng thành, mỗi anh em chúng tôi đều có công việc ổn định, và cuộc sống riêng nên chúng tôi đã không tiếp tục kinh doanh nữa.

3/ Phải chăng chính việc kinh doanh cá cảnh của gia đình đã giúp anh có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc cá cảnh?

Thông qua việc kinh doanh cá cảnh đã giúp tôi có được rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nuôi nấng và phát triển con giống cá cảnh. Ngoài ra, việc kinh doanh này cũng giúp tôi hiểu biết nhiều về các cách xử lý môi trường sống của cá (nước, thức ăn…), giúp tôi biết được nhiều phương pháp điều trị các bệnh của cá cảnh.

“Lu bu” với đàn cá cảnh từ thời còn nhỏ, nên đến bây giờ dù không còn kinh doanh nhưng cá vẫn luôn là những người bạn thân thiết, và nuôi cá cảnh vẫn là niềm đam mê của tôi.

4/ Được biết anh đã từng nuôi nhiều loại cá khác nhau, từ những con cá La Hán dễ nuôi, đến những con cá Dĩa khó chăm sóc; từ những con “Bình dân” bảy màu đến những “Đại gia” Kim long quá bối. Vậy duyên số nào đưa anh đến “vùng trời” Betta?

Tôi đến với cá betta cũng có những lý do như các thành viên đam mê cá Betta khác, nhưng điều khiến tôi tâm đắc nhất là cá Betta luôn đặt tôi vào vị thế “sống cùng thử thách” và tìm cách giải quyết những thách thức đó.

– Thách thức sự kiên trì trong nuôi dưỡng, điều trị, lai tạo.
– Thách thức sự kiên nhẫn để tìm cách lai tạo thành công những cá betta có mầu sắc thuần chủng (vàng ánh kim, platinium, đen, đỏ…), những bầy cá rồng quý hiếm (vàng, đỏ, xanh), hay những cá thể lạ.

Những thách thức dường như là vô tận và không có điểm dừng…



5/ Chăm sóc cá Betta và các loại cá cảnh khác anh nhận thấy có gì khác biệt?

Mỗi loại cá cảnh đều mang những đặc thù sống riêng nên cách chăm sóc là không thể giống nhau, và đặc biệt cần đòi hỏi ở người nuôi nhiều điều kiện cũng khác nhau.

Với tôi điều kiện về thời gian là điều khó khăn nhất khi nuôi cá Betta. Bạn cứ tưởng tượng việc phải chăm sóc cả ngàn con cá betta đủ mọi lứa tuổi, ngày cho ăn 2 đến 3 lần, thay nước 3 ngày 1 lần sẽ như thế nào?

6/ Những đàn cá Betta của các thành viên khi gặp phải sự cố đưa đến cho anh điều trị đều mau chóng được hồi phục. Phải chăng anh có bí quyết gì, anh có thể chia sẻ cho mọi người bí quyết đó?

Tôi không dám gọi đó là những bí quyết vì thật tình tôi cũng chằng có bí quyết nào cả! Để điều trị cho những chú cá gặp “sự cố” thì tôi luôn đặc biệt quan tâm đến những vấn đề sau:

– Nước nuôi cá phải luôn là nước thật sạch, phải xử lý nước thật kỹ (clo, các nguồn gốc vi sinh gây bệnh…) trước khi nuôi cá.
– Cách ly hoàn toàn các cá thể bệnh.
– Theo dõi thường xuyên trạng thái của cá và liên tục thay nước.
– Định bệnh chính xác để tìm ra phương thuốc và cách điều trị thích hợp.
– Các dụng cụ để điều trị cho cá phải được tẩy trùng sau khi sử dụng.

Chính nhờ áp dụng các biện pháp trên nên cá của các bạn tôi gửi điều trị phần lớn thường phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng không thể đạt được 100%, dù đã rất cố gắng, đôi khi tôi cũng phải chịu những thiệt hại ngoài ý muốn và phải “nói lời từ biệt” với một vài chú cá thân yêu.

7/ Anh đã chế biến riêng một loại thức ăn để nuôi dưỡng cá betta, dùng thức ăn này cá phát triển ra sao? Xin anh cho biết thành phần nguyên liệu và hướng dẫn cách chế biến.

Đọc các tài liệu nước ngoài và qua thực tế trong quá trình nuôi cá, tôi đã chế biến môt loại thức ăn dinh dưỡng dành cho cá betta. Thức ăn nhằm cung cấp cho cá nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết, giúp cá phát triển rất tốt. Tôi đã nhiều năm nuôi cá bằng loại thức ăn này và nhận thấy chúng rất phù hợp với việc nuôi Betta.

Các bạn có thể vào đây để biết thành phần nguyên liệu và cách chế biến loại thức ăn dinh dưỡng này..

8/ Theo anh vì sao cá Rồng Betta lại quý hiếm?

Hiện nay, các dòng betta cảnh hiện đại ở nước ta đều được liệt vào loại “quý hiếm” bởi vì phong trào nuôi cá betta cảnh mới phát triển mạnh gần đây, hầu hết cá đẹp và đạt chuẩn đều phải nhập từ nước ngoài với số lượng hạn chế. Cá betta rồng cũng không là ngoại lệ.

9/ Vẻ đẹp đặc trưng của cá Rồng Betta là ở bộ vảy. Trong các loài Betta cảnh chỉ có cá Rồng betta có bộ vảy được cấu tạo như thế. Anh có thể giải thích cho mọi người biết về bộ vảy này?

Vẻ đẹp của cá betta rồng chính là ở bộ vảy và sự kết hợp màu sắc của chúng. Một mặt, cá betta rồng đương nhiên phải có những đặc điểm riêng biệt so với những dòng cá khác, mặt khác những đặc điểm này không tự nhiên xuất hiện mà chỉ là sự kết hợp từ những dòng cá có sẵn trước đó.

Nếu chiếu theo cách phân loại của IBC thì cá betta rồng là cá nhị sắc với thân màu trắng đục và vây màu đỏ. Dựa trên màu sắc và hoa văn, chúng ta có thể đoán rằng cá betta rồng bao gồm những gen sau đây:

– Gen trắng đục (opaque): thể hiện qua lớp màu trắng thật dày trên thân và đôi khi leo lên cả mắt.
– Gen đỏ hoặc cambodian: thể hiện ở bộ vây màu đỏ.
– Gen hoang dã: thể hiện ở các tia hình nan quạt hiện diện trên đuôi của cá betta rồng.

Như vậy, một con betta rồng (hay rồng đỏ) là sự kết hợp của cá opaque, cá đỏ và cá hoang dã. Tuy nhiên quá trình lai tạo cụ thể ra sao không ai biết rõ và dòng cá này cũng mới xuất hiện vài năm gần đây thôi. Hiện tại, cá rồng chỉ xuất hiện dưới dạng plakat cảnh truyền thống, có lẽ người ta đang chú trọng ổn định về màu sắc của dòng này nên chưa phát triển sang các dạng đuôi khác. Việc tạo ra loại cá hai màu hoàn hảo tức màu sắc thân, vây và các tia đuôi hình nan quạt không bị lem là rất khó khăn.

Một vài loại cá rồng khác mà mình biết là:

– Rồng vàng: opaque + cá vàng + cá hoang dã
– Rồng xanh: opaque/xanh thép + đỏ + cá hoang dã (mình đang có dòng này).

Lưu ý: những dòng cá như dòng Armadillo của Victoria cũng có thể được nhận lầm là cá betta rồng. Thực ra, chúng chỉ là cá ánh kim toàn thân tức “full mask” mà thôi, tuy lớp ánh kim rất dày nhưng không dày bằng lớp “opaque” ở cá betta rồng (gen opaque còn khiến màu ánh kim lan lên tận mắt).

10/ Vì sao Anh chọn lai tạo cá Rồng betta? Loại Rồng Betta này có những đặc điểm sinh sản gì khác các loại Beta thường ,khó khăn và thuận lợi khi anh lai tạo loại cá này?

Tôi chọn lai tạo cá Rồng betta vì 2 lý do :

– Thứ nhất: Tôi lai tạo vì rất thích vẻ đẹp đặc trưng của nó,vẻ đẹp không thể nhầm lẫn với các loại betta khác. Tôi tin chắc rằng nếu bạn nhìn thấy, bạn sẽ bị chúng “hớp hồn” ngay từ cái nhìn đầu tiên.
– Thứ hai:Tôi lai tạo vì hiện giờ rất ít người chơi Betta sở hữu, sinh sản thành công được loại cá này. Tôi muốn loài cá này sẽ mau chóng được phổ biến rộng rãi đến mọi người yêu thích Betta.

Theo sự quan sát khi nuôi cá Rồng Betta tôi nhận thấy chúng có những đặc điểm sau:
– Chúng ăn rất ít, và rất dễ sinh bệnh nhất là ở những con mái.
– Ở những con Rồng “đẹp” thường thì vẩy Rồng bao phủ lên một phần của mắt cá làm cho phạm vi thị lực bị thu hẹp (điều này cũng xảy ra tương tự ở: Gold, Platinium, Royal Blue, Green, full mask… ) điều làm cho việc chăm sóc trứng và cá con của cá cha gặp nhiều khó khăn hơn.

Vì thế, theo tôi nên cho Rồng Betta sinh sản sớm, không nên để chúng “ già” quá.

11/ Tình hình hiện nay của bầy cá Rồng con này? Anh kỳ vọng gì ở chúng?
Bầy cá Rồng xanh Betta con hiện nay đã được 1 tháng tuổi, sức khỏe ổn định, nhưng so với những loại khác thì chúng thật sự chậm “lớn “ (mặc dù chúng ăn rất nhiều).

Dân gian thường nói: “Chó giống cha, (cá) gà giống mẹ”, tôi có hai con trống tương đối khá đẹp và một con mái không được đẹp lắm nên đành phải ghép đôi một con trống đẹp với nó để sinh sản. Hy vọng số lượng cá con nhiều (khoảng 600 con) sẽ chọn ra được một ít con trống, mái đẹp như cha của chúng.


12/ Loại cá Rồng mà anh lại tạo thành công là cá Rồng Xanh Betta, vậy còn loại rồng Đỏ và Vàng anh có dự định lai tạo để trở thành “chuyên gia” lai tạo cá Rồng Betta không? Hay anh có dự định sẽ nâng cao “tay nghề” mình hơn nữa bằng cách lai tạo hàng loạt cá Betta dạng “hàng độc hiếm”?

Tôi cũng đang có 1 cặp Rồng đỏ và 1 cặp Rồng Betta marble (của một người bạn gởi), sau khi nuôi cho đàn cá con Rồng hiện có trưởng thành và “ xuất xưởng “ xong. Tôi mới dám nghĩ đến chuyện… để nâng cao “tay nghề”, thà chậm mà chắc còn hơn…

13/ Tôi thấy anh có cuốn sổ mang tên Nhật ký cá Betta. Anh ghi chép gì trong đấy?

Tôi ghi chép trong nhật ký Betta tất cả những vấn đề liên quan đến Betta của mình như: thói quen ăn uống, hành vi của từng con, nguồn gốc, ghép đôi, sinh sản…. kết quả, kinh nghiệm tự rút được trong thực tiễn…

Nếu có điều kiện hãy làm giống như tôi, các bạn sẽ thấy nó thật sự có ích trên chặng đường “chinh phục vùng trời Betta.”

14/ Tôi cũng thấy anh có rất nhiều dụng cụ, thuốc điều trị, các vật dụng tự chế để phục vụ cho việc nuôi cá Betta. Xin anh cho mọi người nuôi Betta biết cần có những dụng cụ, thuốc men… tối thiểu nào, công dụng của chúng dùng vào việc gì và lúc nào?
Tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng những bài và những dẫn chứng thật cụ thể trên diễn đàn trong một ngày không xa. Mời các bạn đón xem.

15/ Anh đã cho lai tạo thành công nhiều bầy cá Betta. Đến nay thì những thành công nào được anh xem là “rực rỡ” nhất và những “thất bại” nào được xem là đau thương nhất?

Tôi mới quay lại với Betta một thời gian không lâu nên chưa có cái gì gọi là “rực rỡ” và “đau thương” nhất! Nhưng trên (con đường) dài “vô tận” mang tên BETTA này, chắc chắn tôi sẽ được nếm đủ mùi vị: “Chua, Cay, Mặn, Ngọt.”

16/ Là người đã từng kinh doanh cá kiểng, anh thấy có thể kiếm được lợi nhuận từ việc kinh doanh cá Betta không? Nếu lai tạo cá đẹp được nhiều anh có ý định mở lại cửa hàng cá kiểng để kinh doanh không?

Phong trào chơi cá Betta mới “sống” lại trong 1 thời gian ngắn gần đây nên gặp rất nhiều khó khăn gian nan thử thách chủ quan cũng như khách quan. Hy vọng rằng hội Betta của diễn đàn cá cảnh dần dần sẽ lớn mạnh, phổ cập được thú chơi cá Betta rộng rãi đến người “yêu” cá thì việc thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh cá Betta sẽ là khả thi.

Lợi nhuận có được chắc chắn sẽ không cao, mà chủ yếu giúp những nhà lai tạo thu lại một phần vốn (cá giống, thức ăn, dụng cụ nuôi… ) và công sức đã bỏ ra… Điều “cốt lõi” nhất là việc kinh doanh “nhỏ” này sẽ khích lệ động viên những nhà lai tạo dấn thân sâu hơn. Nếu lai tạo được cá đẹp tôi cũng sẽ hành động như những lời tôi vừa nêu ở trên.

17/ Là người đi trước có nhiều kinh nghiệm, anh có lời khuyên gì với những người mới muốn nuôi và lai tạo cá Betta?

Lời khuyên thì không có nhưng có hai điều với mọi người thật sự yêu thích cá Betta :
* Con người
* Cá và các vấn đề liên quan

a/ Con người
– Bạn phải thật sự bình tâm và kiên nhẫn, điều này sẽ giúp bạn xử lý được những tình huống bất đắc dĩ xảy ra trong quá trình nuôi cũng như lai tạo Betta.
– Đừng ngại ngùng hỏi hay đề nghị được giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm… ở những người cùng sở thích, người chơi lâu hơn, có kinh nghiệm… Sẽ không ai đánh giá thấp hay coi thường bạn khi nhận được những câu hỏi hay đề nghị đó đâu!!! mà ngược lại bạn sẽ thu thập đuợc khá nhiều dữ liệu phản hồi (những dữ liệu này sẽ giúp bạn đi “đường tắt”, “xài” được ngay những kinh nghiệm mà khỏi phải mất thời gian tìm kiếm mày mò…)
– Không có một kinh nghiệm nào được gọi là điển hình tuyệt đối mà kinh nghiệm phải được sàng lọc để phù hợp với điều kiện riêng của từng người

b/ Cá và các vấn đề liên quan

– Nên tìm cho mình những con cá đẹp (đạt chuẩn càng tốt) trong điều kiện cho phép đề nuôi và lai tạo, dù bạn là người mới chơi cũng nên làm như vậy (hãy tưởng tượng bạn đã lai tạo và sở hữu 300 – 500 con cá xấu không đạt tiêu chuẩn 3 tháng tuổi thì bạn xử lý thế nào?)
– Phải thật sự đặt vấn đề “chất lượng” nước lên hàng đầu, đây là yếu tố quyết định sống còn của Betta.
– Nếu lai tạo thì nên tập trung vào 1 vài loại nhất định, đừng “ôm” nhiều dòng cá quá dẫn đến chăm sóc không tốt dễ sinh ra “dịch bệnh”.

Xin chân thành cám ơn anh Tô Minh về cuộc trò chuyện này.

 

Nguồn : Diemdancacanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.