Một số bệnh của cá betta – Các bệnh hay bị ở Cá Betta

Tôi muốn bắt đầu bằng phát biểu sau: bạn phải chẩn đoán bệnh một cách thật chính xác trước khi tiến hành chữa trị. Bạn có thể làm tình trạng của cá còn tệ hơn nữa nếu chữa không đúng bệnh. Thuốc là chất hoá học và dù cho nó có chữa bệnh đi nữa thì cũng ít nhiều làm cho cá bị căng thẳng (không kể những căng thẳng gây ra bởi bệnh tật) vì vậy bạn chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết. Bạn đặt cá ở nơi thật sáng và quan sát những biểu hiện bệnh lý chẳng hạn như những đốm trắng bằng hạt cát hay những mảng bùi nhùi màu trắng. Đấy là những triệu chứng rất cụ thể mà từ đó bạn có thể áp dụng cách chữa trị thích hợp.

Bước đầu tiên trong việc chẩn đoán bệnh đó là theo dõi cách thức chăm sóc và cho cá ăn. Những điều này thường gây cho cá các vấn đề về sức khoẻ:

– Giữ nước sạch, thay nước thường xuyên.
– Luôn khử clor trong nước máy hay để cho hả trước khi sử dụng.
– Lọ nuôi cá càng lớn càng tốt.
– Giữ nhiệt độ nước trên 21 độ C.
– Nước dùng để thay nên có cùng nhiệt độ với nước cũ (để tránh làm cá bị sốc).
– Bạn cho cá ăn mấy lần một ngày, mỗi lần cho ăn bao nhiêu và cho ăn loại thức ăn gì. Thay đổi nhiều loại thức ăn sẽ làm cá khoẻ mạnh, nếu chỉ cho ăn một loại duy nhất như thức ăn đông lạnh (pellet) thì cá sẽ bị yếu hay mắc bệnh về bong bóng bơi.

Đấy là những yếu tố tiềm tàng mà chúng có thể tạo ra một con cá khoẻ mạnh và lanh lợi hay một con cá bệnh hoạn và đờ đẫn.

Sau khi kiểm tra cách thức mà bạn chăm sóc cá, hy vọng rằng bạn sẽ xác định được bệnh tật có thể phát sinh từ đâu và kịp thời điều chỉnh trước khi nó xảy ra. Cá có thể mắc một số bệnh, vì vậy bạn hãy học hỏi để lần sau không phạm phải nữa.

Mỗi người đều áp dụng những cách chữa trị khác nhau cho cùng một bệnh. Một số có tác dụng, một số không rõ kết quả còn một số lại hoàn toàn không đúng. Bạn có thể đã từng nhắm mắt sử dụng một số loại thuốc nào đó và cá khỏi bệnh. Nhưng trên thực tế, nếu bạn không kiểm tra và chẩn đoán một cách cẩn trọng trước khi chữa bệnh cho cá, thì bạn chỉ tình cờ gặp may khi sử dụng đúng thứ thuốc cần thiết mà thôi. Trước khi bạn có thể tích luỹ đủ lượng kinh nghiệm cần thiết, bạn đơn giản PHẢI phụ thuộc vào kiến thức của những người khác. Đó là lý do tại sao tôi xây dựng mục chữa bệnh cho cá betta ở đây: nó là một dự án nghiên cứu và chia sẻ thông tin nhằm trợ giúp mọi người trong các vấn đề về sức khoẻ của cá betta.

Điều gì xảy ra khi cá của bạn bỗng nhiên trông có vẻ yếu đi nhưng bạn không thể phát hiện ra bất cứ triệu chứng bên ngoài nào? Rồi bạn phải làm sao?

Chẳng hạn, từ như thế này:[IMG] thành ra thế này:[IMG]

Trong hầu hết trường hợp tôi khuyên bạn đừng bao giờ cố chữa trị những triệu chứng không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, Bettamax (đừng nhầm nó với Bettafix và Melafix!) thường được sử dụng như là loại thuốc “điều trị tổng quát” cũng mang lại kết quả trong một số trường hợp. Nó chứa nhiều loại dược chất và vitamin. Tôi không khuyên bạn sử dụng loại dược chất kết hợp như thế này nhưng đôi khi nó lại có ích đối với những trường hợp bệnh không rõ nguyên nhân và với trường hợp cần chữa trị sớm vì cá trông bất thường nhưng chưa thể hiện triệu chứng bệnh cụ thể: chẳng hạn như mất màu, chán ăn, lờ đờ. Nói cách khác, hãy nên chữa trị sau khi tìm hiểu và đưa ra quyết định chính xác hơn là cứ nhắm mắt làm đại.

– Nên sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách để ngăn cản sự hình thành của dòng vi khuẩn kháng thuốc do sử dụng không đủ liều lượng. Năm ngày là khoảng thời gian điều trị tối thiểu bằng thuốc kháng sinh, kéo dài hơn một tuần thì càng tốt.

– Nếu bạn không xác định được nguyên nhân gây bệnh, hãy cách ly cá trong hồ điều trị riêng (và thay nước mỗi ngày) để có thời gian theo dõi. Việc này không làm cá khoẻ lên nhưng chắc chắn không làm tình trạng của cá tệ đi.

– Sau khi bạn đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể chữa trị cho cá theo đúng phương pháp. Tham khảo phần bệnh cá tương ứng để tìm phương pháp chữa trị cho cá của bạn.

Còn bây giờ, bạn có thể tham khảo thông tin và hình ảnh ở dưới để xác định xem cá của bạn mắc bệnh gì và cách chữa trị ra

Bệnh đốm trắng

Bệnh đốm trắng
(Hay bệnh trùng quả dưa – white dot, Ich hay Ichthyophthirius multifiliis)

Mô tả: bệnh đốm trắng là ký sinh trùng trú ngụ ở bên dưới lớp da của cá. Chúng tạo ra các đốm trắng như hạt muối hay cát phủ đầy cơ thể cá. Cá có thể bơi giật cục và cố quẹt mình vào các vật thể trong hồ. Bệnh này có thể trở nên trầm trọng nhưng may mắn thay nó rất dễ chẩn đoán và chữa trị. Ký sinh trùng phát triển rất nhanh nên việc phát hiện bệnh và điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng. Cần hết sức lưu ý rằng cho dù những đốm trắng có biến mất thì không có nghĩa rằng mầm bệnh đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Chúng vẫn tiếp tục sống và tăng trưởng trong nước ngay cả khi rời khỏi mình cá. Đấy là lý do tại sao chúng ta cần tăng nhiệt độ của nước bởi nếu để nước lạnh thì phải mất nhiều tuần để chu trình sinh trưởng của ký sinh trùng được hoàn tất! Bạn nên điều trị liên tục cho cá tối thiểu một tuần để tiêu diệt hết mầm bệnh ký sinh (nếu để nước lạnh thì cần lâu hơn). Ký sinh trên mình cá rất khó tiêu diệt, thuốc chỉ có tác dụng ở giai đoạn ấu trùng trong chu trình sinh trưởng của ký sinh trùng, ngay khi vừa trưởng thành, chúng sẽ lập tức tấn công cá.

Chữa trị: tăng nhiệt độ nước để rút ngắn chu trình sinh trưởng của ký sinh (từ 21 đến 27 độ C, 32 độ C có thể làm cá bị vô sinh. Nên bắt đầu với 29 độ C và giảm dần một khi bệnh thuyên giảm). Tắm nước muối là cách loại bỏ ký sinh hiệu quả. Nước muối làm ký sinh rời khỏi mình cá và rơi xuống hồ điều trị, vì vậy khi thả cá về hồ cũ thì ở đó không còn ký sinh nữa! Những hoá chất có chứa muối đồng như Coppersafe hay Aquarisol cũng điều trị rất hiệu quả. Có nhiều loại thuốc chuyên để chữa bệnh đốm trắng có thể tìm thấy trong các tiệm cá cảnh nhưng bạn nên nhớ rằng thuốc càng mạnh thì cá càng bị căng thẳng. Malachite green được khuyến cáo không nên sử dụng đối với cá da trơn như cá nheo, cá chạch và những cá khác như cá tetra. Điều trị 4 đợt, mỗi đợt kéo dài 3-4 ngày, thay khoảng 50% nước trước mỗi đợt điều trị. Tiếp tục điều trị trong hai tuần để đảm bảo rằng tất cả ký sinh đều bị tiêu diệt hết. Nên nhớ rằng, thuốc chỉ có tác dụng lên ấu trùng của ký sinh tức khoảng 3 ngày đầu tiên trong chu trình sinh trưởng của chúng. (Ghi chú: ở Việt Nam, thuốc trị bệnh đốm trắng thông dụng là methylene blue. Có nhiều nhãn hiệu ở dạng viên và chất lỏng lưu hành trên thị trường. Nên đọc kỹ hướng dẫn tỷ lệ pha thuốc trước khi dùng vì nồng độ mỗi loại có thể khác nhau).

Phòng bệnh: căng thẳng và giảm sức đề kháng là các nguyên nhân làm mầm bệnh tấn công và nhân rộng trên cá. Tránh làm cá bị căng thẳng bởi các nguyên nhân như nước dơ, nhiệt độ biến đổi đột ngột, ăn quá no… Cách ly cá mới và cây thuỷ sinh để đảm bảo rằng bạn không đem mầm bệnh từ bên ngoài vào hồ. Không nên thay đổi nhiệt độ hồ một cách đột ngột. Luôn bỏ túi đựng cá vào hồ mới khoảng 15 phút để nhiệt độ hai bên cân bằng trước khi thả cá. Nên nhớ rằng, cùng với chất lượng nước, đấy là những nguyên nhân rất phổ biến làm cho cá bị ký sinh trùng tấn công và gây bệnh.

[IMG]
Một con cá bị bệnh đốm trắng (ảnh Songlake).

Bệnh thối vây

Bệnh thối vây (Fin rot)

Mô tả: lây nhiễm thường xảy ra khi cá bị căng thẳng và suy giảm khả năng miễn nhiễm đối với các loại vi khuẩn có sẵn trong môi trường xung quanh. Dấu hiệu cá bắt đầu nhiễm bệnh đó là viền vây bị mất màu. Ban đầu viền vây có màu nâu hay trắng rồi sau đó nhanh chóng lan ra toàn bộ vây. Đôi khi phần vây bị nhiễm bệnh có màu hanh đỏ. Nếu bệnh lan tới các tia vây và phần thịt thì nó sẽ trở nên nghiêm trọng và cá có thể bị chết. Nói chung, bệnh này làm hỏng vây của cá. Nó thường mở đường cho cả bệnh nấm.

Chữa trị: bạn phải xác định các nguyên nhân làm cá nhiễm bệnh gồm nước dơ, ăn quá no… Các loại thuốc điều trị bệnh này gồm Melafix, Maracyn, muối hay hydrogen peroxide (H2O2) hoà vào nước hay bôi lên vùng vây nhiễm bệnh (cẩn thận không để thuốc dính vào mang cá, điều này có thể làm cá bị chết). Các loại thuốc kháng sinh như Tetracycline và Sulfa chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng. (Ghi chú: bệnh thối vây là dạng bệnh cơ hội gây ra bởi các vi khuẩn phân huỷ thông thường, khi cá bị thương hay suy giảm miễn dịch thì chúng mới thừa cơ tấn công. Điều đầu tiên cần phải làm là thay nước thật sạch. Sau đó có thể sử dụng muối, nước lá bàng hay methylene blue để điều trị).

[IMG]
Để ý đốm màu nâu tức phần rìa vây bị đổi màu. Bệnh thối vây sẽ làm vây bị hư rất nhanh chóng.

[IMG]
Đuôi con cá này bắt đầu bị tưa.

[IMG] [IMG]
Đây là một trường hợp mắc bệnh thối vây trầm trọng. Lưu ý rằng phần vây thối bị rụng ra và nổi lên trên mặt nước.

[IMG]
Bạn có thể thấy vây cá đã bị huỷ hoại như thế nào bởi bệnh thối vây (lưu ý rằng chỉ còn một đoạn vây nhỏ màu xanh còn sót lại) với các rìa vây màu đỏ và sau đó nó còn kéo theo sự lây nhiễm của bệnh nấm.

[IMG] [IMG]
Con cá này cũng bị mắc bệnh tương tự (thêm cả bệnh nấm). Trông có vẻ như nó chỉ mất rất ít vây nhưng thực ra vây của nó vốn rất dài.

[IMG]
Đây là một dạng bệnh thối vây mà nó phát triển nhanh hơn rất nhiều so với bệnh thối vây thông thường và làm cá chết. Khi cá bị mắc bệnh này, nước trở nên rất đục. Thay nước 1-2 lần/ngày và cho thêm 1-2 giọt formol. Cũng có thể sử dụng ampicillin kết hợp với tetracycline.

Bệnh nấm

Bệnh nấm
(Hay bệnh nấm thuỷ mi – fungus, Saprolegnia, body fungus, true fungus)

Mô tả: đây là loại bệnh phổ biến và nó làm cá chết rất nhanh vì vậy việc phát hiện và chữa trị sớm là điều rất quan trọng. Mầm bệnh nấm vốn luôn hiện diện trong hồ. Cá thường nhiễm bệnh nấm sau khi bị yếu và mất sức đề kháng vì mắc một số bệnh trước đó hay bị thương.

Chẩn đoán: cá thường có những búi màu trắng hay xám như cục bông gòn trên thân, vây hay mang. Bệnh nấm thường bị nhần lẫn với bệnh lở miệng (Columnaris). Lưu ý, khi quan sát thật kỹ chỗ bị bệnh nấm sẽ thấy các sợi nấm mọc ra như tóc trong khi bệnh lở miệng trông giống như cục bông gòn.

Chữa trị: cách ly cá bệnh để điều trị, không cần phải chữa trị toàn bộ hồ cá bởi vì mầm bệnh nấm luôn tồn tại trong hồ… và chỉ tấn công một khi cá bị suy yếu vì mắc một bệnh khác trước đó. Bạn có thể điều trị cho cá bằng malachite green, muối, tăng nhiệt độ, methylene blue, formalin hay hydrogen peroxide (dùng bôi trực tiếp lên vết nấm, cần hết sức cẩn thận không để thuốc dính vào mang cá vì nó có thể giết chết cá).

Điều quan trọng nhất đó là xác định nguyên nhân làm cá đổ bệnh và giải quyết. Dù vì nguyên nhân nào, cá bị suy giảm hệ miễn dịch tạo cơ hôi để mầm bệnh tấn công. Điều này có thể gây ra bởi nước dơ, nồng độ ammonia tăng hay những nguyên nhân khác chẳng hạn bị cá dữ uy hiếp.

[IMG]
Hình này cho thấy các sợi nấm mọc ra như tóc.

[IMG] [IMG]
Hai con cá này ban đầu bị bênh thối vây nhưng sau đó nhiễm thêm bệnh nấm.

Bệnh lở miệng
Bệnh Columnaris – Mouth Fungus, Cotton Mouth, False Fungus, Flavobacterium columnare (Flexibacter columnaris)

Mô tả: dù trông giống như bệnh nấm nhưng bệnh này thực sự gây ra bởi Columnaris, một loại vi khuẩn hình que gram âm. Vi khuẩn này thường trú ngụ ở đầu, môi, miệng và bên trong miệng của cá. Bệnh lở miệng có các biểu hiện bệnh lý như sau:

– Vùng xung quanh miệng của cá xùi lên như cục bông gòn. Bởi vậy, bệnh này thường bị nhầm với bệnh nấm thực sự. Nếu quan sát thật kỹ thì sẽ thấy bệnh nấm có những sợi tơ mọc dài như sợi tóc trong khi bệnh lở miệng trông như cục bông gòn.

– Dù thường xuyên xuất hiện ở miệng, đôi khi bệnh này còn xuất hiện dưới dạng những đốm màu nâu-vàng, trắng, trắng-xám ở trên đầu, vây, mang hay thân. Xung quanh vị trí nhiễm bệnh thường có quầng đỏ. Biểu hiện bệnh lý này ở cá thường xuất hiện dưới dạng “yên ngựa” (saddleback – tức trên lưng có một quầng trắng hình yên ngựa).

Các loài cá thuộc phân bộ Labyrinth (tức Anabantoidei gồm các họ cá rô, họ cá sặc-lia thia-tai tượng và họ cá mùi) và các chi cichlid nhỏ như Apistogrammas thường bị mắc bệnh này. Đây là dạng bệnh cơ hội, khi cá mắc một bệnh khác và suy giảm hệ miễn dịch thì bị bệnh này tấn công. Lưu ý không nên tăng nhiệt độ nước (như vẫn làm với bệnh nấm và bệnh ký sinh) vì sẽ làm vi khuẩn bùng phát mạnh hơn.

Chữa trị: Malachite green (không dùng cho cá con), muối, Melafix hay kháng sinh trong trường hợp bất khả kháng (như Spectrogram, Furanace hay Sulfa).

Phòng bệnh: sau đây là một số nguyên nhân tạo điều kiện cho bệnh lở mồm phát sinh mà chúng ta cần tránh:
– Nhiệt độ nước tăng đột ngột.
– Nuôi quá nhiều cá.
– Nước dơ.
– Nồng độ ô-xy hòa tan thấp.
– Nồng độ nitrite tăng.
– Thức ăn thừa.

[IMG]
Bệnh lở miệng (nguồn http://www.flippersandfins.net).

[IMG]
Bệnh lở miệng (nguồn www.petfish.net).

[IMG] [IMG] [IMG]
Bệnh lở miệng xuất hiện ở lưng, thân và vây (nguồn www.petfish.net).

Bệnh xù mang
[IMG] [IMG]
(Ảnh vinhbinhduong)

Triệu chứng
– Tạm gọi bệnh này là “xù mang” vì vảy ở vùng mang cá bị bệnh này xù lên. Cá bệnh nặng, vùng vảy xù có dịch trắng như mủ, nếu khều ra sẽ bật máu.

– Không rõ tác nhân gây bệnh là gì nhưng không phải là nấm.

– Bệnh này lây rất mạnh và dai dẳng. Mình nuôi cá cả năm không hề thấy bệnh này cho đến khi một con cá mái Thái phát bệnh. Từ đó cá mình thường xuyên bị bệnh này, nhất là những con cá to. Có lẽ phải thay lọ nuôi mới và tẩy rửa toàn bộ lọ cũ để loại trừ mầm bệnh.

– Bệnh diễn tiến chậm rãi. Cá bị xù mang vẫn ăn uống nhưng ngày càng ít đi, cá lờ đờ, nổi trên mặt nước và sau cùng bị chết.

Cách chữa trị
– Nhỏ thuốc hiệu RID PROTOZOAN (anh N2D mua bên Thái) với liều lượng 2 giọt/2 lít nước (lưu ý: liều lượng này gấp đôi liều lượng chỉ định ghi trên nhãn lọ thuốc là 1 giọt/2 lít).

– Kết hợp ngâm thuốc với tetra Nhật (loại tetra này tan ngay trong nước, có bán ở các tiệm cá cảnh)

– Chữa trị liên tục trong 2-3 tuần, sau mỗi tuần nên thay nước và giảm liều lượng thuốc còn 1 giọt/ 2 lít.

– Nếu chỉ ngâm tetra mình thấy không tác dụng, cá sống nhưng tái phát bệnh sau khi ngưng ngâm thuốc. Anh N2D nói dùng tay khều hết vùng vảy xù (có khi bật máu) thì cá sẽ mau lành. Có lẽ các bạn nên làm theo cách này nếu chỉ ngâm tetra mà không có RID PROTOZOAN.

– Bệnh có thể để lại di chứng trên mang: teo mang (không thể phùng mang). Cá trống lành bệnh vẫn sinh sản bình thường.

Phòng bệnh
– Cách ly và quan sát kỹ cá mới. Phát hiện và chữa trị cá bệnh càng sớm thì khả năng lành bệnh càng cao và nhanh (trong vòng 1 tuần).

– Vệ sinh hồ cá bệnh kỹ lưỡng để tránh mầm bệnh lây lan (rửa bằng xà bông tiệt trùng).

 

Bệnh nấm nhung (velvet)
Bệnh nấm Oodinium – Velvet, Oodinium pillularis

Mô tả: Oodinium là dạng ký sinh trùng hình que (dinoflagellates) phát triển qua giai đoạn bào tử [gọi vậy cho dễ, chứ thực ra không phải nấm]. Giống như bệnh đốm trắng, chúng trú ngụ bên dưới lớp da của cá. Chúng bắt đầu phát triển từ những đốm nhỏ li ti trên mình cá. Trong điều kiện thích hợp, các bào tử tạo ra một lớp “nhung” (velvet) màu vàng-nâu bao phủ bên ngoài da cá. Bệnh này rất dễ lây. Cá bị nhiễm bệnh thường bơi giật cục, cố cọ quẹt thân mình lên các vật thể trong hồ và thở gấp gáp. Cũng cần lưu ý rằng ngay cả khi cá không còn đốm nào cũng không có nghĩa là bệnh đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng vẫn có thể sống trong nước và dưới đáy hồ. Bạn nên chữa trị liên tục trong một tuần để đảm bảo mầm bệnh bị tiêu diệt hoàn toàn (nếu nước ấm, nếu nước lạnh thì phải lâu hơn). Ký sinh trùng trên mình cá rất khó diệt, chúng chỉ bị tiêu diệt khi rời mình cá và bơi trong nước. Vì vậy, việc tăng nhiệt độ là rất cần thiết. Nếu để nước lạnh thì chu trình sinh trưởng của chúng sẽ diễn ra trong nhiều tuần!

Chữa trị: tăng nhiệt độ nước để chu trình sinh trưởng của ký sinh diễn ra nhanh hơn (khoảng từ 21 đến 26 độ). Tắm bằng nước muối làm ký sinh rời khỏi mình cá. Những hoá chất có chứa muối đồng như Coppersafe hay Aquarisol cũng điều trị rất hiệu quả. Có nhiều loại thuốc chuyên để chữa bệnh velvet có thể tìm thấy trong các tiệm cá cảnh nhưng bạn nên nhớ rằng thuốc càng mạnh thì cá càng bị căng thẳng.

Malachite green được khuyến cáo không nên sử dụng đối với cá da trơn như cá nheo, cá chạch và những cá khác như cá tetra (sản phẩm dùng riêng cho chúng là Clear Ich của hãng Aquatronics).

Phòng bệnh: Cách ly cá mới và cây thuỷ sinh để đảm bảo rằng bạn không đem mầm bệnh từ bên ngoài vào hồ. Không nên thay đổi nhiệt độ hồ một cách đột ngột. Luôn bỏ túi đựng cá vào hồ mới khoảng 15 phút để nhiệt độ hai bên cân bằng trước khi thả cá.

[IMG]
Cá bị bệnh nấm velvet ở đầu (nguồn http://www.flippersandfins.net).

[IMG]
Cá bị bệnh nấm velvet ở đầu (nguồn www.petfish.net).

Ghi chú (vnrd): đây có lẽ là loại bệnh phổ biến nhất ở cá betta. May thay, loại bệnh này rất dễ chữa, chỉ cần bỏ ít muối hoặc tetra vô hồ là cá sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần. Cần làm vệ sinh hồ cá bệnh thật kỹ để tránh lây lan (rửa bằng xà bông tiệt trùng).

 

Bệnh sình bụng

Bệnh sình bụng
Bệnh chướng bụng – Dropsy

Mô tả: nếu nói một cách chính xác thì sình bụng là một triệu chứng chứ không phải là một bệnh. Cá bị sình bụng có phần bụng căng phồng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đôi khi, bệnh này không lây nhiễm nhưng cá bị bệnh nên được cách ly và điều trị thích hợp.

Bụng cá căng đầy nước và không có khả năng đào thải. Bụng căng làm vẩy cá rộp lên trông giống như “quả thông”.

Chẩn đoán: có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh này:

– Sình bụng cấp tính: tức bụng căng lên bất thình lình. Cá bị nhiễm khuẩn gây xuất huyết nội.
– Sình bụng mãn tính: tức bụng căng lên từ từ. Ký sinh trùng hay bướu phát triển ở bụng cá có thể gây nên tình trạng này.
– Sình bụng mãn tính: tức bụng căng lên từ từ. Cá bị bệnh lao cá Mycobacterium tuberculosis. Bệnh này lây rất mạnh.
– Những nguyên nhân khác gồm nhiễm virus, tổn thương nội tạng, suy thận vì sử dụng quá nhiều thuốc hay thuốc quá mạnh.

Chữa trị: bệnh này rất khó chữa trị nhưng nếu nguyên nhân là vi khuẩn và được phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi. Vì vậy cần phải tìm hiểu xem có phải bệnh do vi khuẩn gây ra hay không, việc phát hiện nguyên nhân gây bệnh là một phần của điều trị và phòng bệnh.

Khi các vẩy xù lên chứng tỏ cá bị bệnh trầm trọng. Ngâm cá trong nước muối có thể giúp tiêu bớt chất lỏng trong mình cá. Có một loạt các loại thuốc dùng để chữa bệnh sình bụng do nhiễm khuẩn nội tạng. Các loại thuốc chữa bệnh ngoài da không có tác dụng trong trường hợp này.

Cá sặc và cá chép rất dễ bị mắc bệnh sình bụng.

[IMG] [IMG] [IMG]
Diễn tiến bệnh sình bụng ở một con betta mái. Bụng dần dần căng ra và các vảy xù lên.

[IMG] [IMG]
Con cá đực này bị bệnh sình bụng rất nặng.

 

Bệnh sưng mắt

Bệnh sưng mắt
Pop Eye – Exophthalmus, Corneybacteriosis

Mô tả: sưng mắt vốn không phải là một bệnh mà là một triệu chứng gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn (và có thể nhiễm thêm cả nấm), môi trường (chẳng hạn như nước dơ) hay vết thương sưng tấy ở mắt vì bị cá khác cắn. Cá có thể bị sưng tấy một mắt hay cả hai. Con ngươi lòi hẳn ra khỏi hốc mắt và đôi khi bị mờ đục.

Chữa trị: nếu chỉ có một mắt bị sưng thì nguyên nhân thường là vì bị thương và mắt phản ứng bằng cách sưng lên và dồn chất lỏng về đó. Cần cách ly cá và thay nước thường xuyên để mắt có thời gian tự phục hồi. Có thể chữa trị bằng muối epsom tức muối MgSO4 ngậm nước (1 muỗn trà/ 20 lít, sau 3 ngày giảm còn nửa muỗng).

Nếu cả hai mắt đều bị sưng thì có lẽ cá bị nhiễm khuẩn và nên điều trị bằng Maracyn, Penicillin hay Tetracycline. Có thể sử dụng kháng sinh Neomycin sulphate (250 mg/ 4 lít) với tầm tác dụng rộng trên các vi khuẩn gram+ và gram- . Bạn cũng có thể dùng những loại kháng sinh khác. Nhưng nếu cá bị quá nặng thì rất khó chữa trị. Có thể cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc (vì kháng sinh rất khó thẩm thấu vào cơ thể cá). Chỉ nên dùng kháng sinh trong hồ điều trị để tránh ảnh hưởng đến bộ lọc ở hồ chính.

[IMG] [IMG] [IMG]
Cá bị sưng mắt (ảnh Sierraraptor).

[IMG] [IMG]
Cá bị sưng mắt (ảnh Mermaiden).

Bướu

Bướu (lump)

Mô tả: bướu là một triệu chứng rất lạ và khó chẩn đoán nên nó là bệnh rất khó chữa trị! Đôi khi, cho dù đã trị đúng bệnh nhưng cá vẫn chết. Dù sao đi nữa thì bạn vẫn nên cố gắng chẩn đoán và chữa trị được chừng nào hay chừng đó.

Chẩn đoán: có nhiều nguyên nhân làm cá bị nổi bướu:
– Nhiễm siêu vi Lymphocystis.
– Bướu lành.
– Ký sinh.
– Nhiễm các loại virus khác.

[IMG][IMG]
Đây là con cá bị nổi bướu trông giống như bị “bệnh sình bụng”. Hình thứ hai cho thấy phần giữa thân bắt đầu phồng lên và các vây xù ra (nên nhớ rằng bệnh sình bụng cũn có nhiều nguyên nhân).

Nếu nhìn từ một phía thì có vẻ như cá bị bệnh sình bụng nhưng chính xác thì nó bị nổi bướu. Bởi vì nó chỉ nổi lên ở một phía của cá.

[IMG]
Bướu nằm ở gần đuôi cá (giống như mủ trắng) xù lên như bắp cải và lớn dần sau vài tuần. Tôi thường nặn bướu nhưng rồi nó lại phát triển như cũ. Nó không nằm trên vây nên tôi không thể cắt bỏ hoàn toàn phần vây bị bướu.

[IMG][IMG]
Hai con cá ở trên có những cái bướu rất lạ, có lẽ bị nhiễm virus.

[IMG]
Đây là một bướu lành (ảnh Sierraraptor).

[IMG][IMG]
Một con cá tội nghiệp bị nổi bướu (ảnh Lorihalia).

Bệnh đốm đỏ

Bệnh đốm đỏ
Furunculosis, Aeromonas salmonicida

Mô tả: bệnh gây ra bởi vi khuẩn Aeromonas salmonicida với triệu chứng bao gồm các vết thương hở miệng hay mụn nhọt trên mặt da. Khó lây nhiễm, chỉ lây khi tiếp xúc trực tiếp với phần da nhiễm bệnh. Cá nên được cách ly và chữa trị bằng kháng sinh.

Vi khuẩn nhiễm vào máu và lan truyền khắp cơ thể, đặc biệt là các nội tạng quan trọng. Bệnh này lan truyền trong máu rất nhanh chóng và làm các mạch máu nhỏ bị vỡ và vi khuẩn lan ra các tế bào xung quanh. Nếu gặp điều kiện thích hợp, bệnh sẽ trở nên rất trầm trọng.

Chữa trị: có thể sử dụng các loại thuốc chữa bệnh ngoài da như hydrogen peroxide hay formalin/formol để tắm cho cá. Thuốc kháng sinh, đặc biệt là những loại có thể thẩm thấu vào cơ thể (tetracycline, erythromycin và nitrofurazone không chữa trị bệnh này hiệu quả). Thức ăn có trộn kháng sinh.

Phòng bệnh: nước dơ làm bệnh phát triển mạnh hơn. Kiểm tra các nguyên nhân làm cá bị căng thẳng, pH, ammonia, nitrite, nitrate và những vật chủ trung gian truyền bệnh (chẳng hạn như sán lá).

[IMG]

Trên đây là các loại bệnh thông thường. Thực tế, cá có thể nhiễm nhiều loại bệnh khác nhau nên hiểu biết chung về phân loại bệnh cá và nguyên tắc chữa trị là điều rất cần thiết.

Bệnh nhiễm khuẩn (bacteria)
Mô tả: có vô số các loại vi khuẩn gây bệnh cho cá. Vi khuẩn luôn hiện diện trong nước. Cá bị vi khuẩn tấn công và nhiễm bệnh khi nó yếu đi vì căng thẳng hay vì những nguyên nhân khác (chẳng hạn như nước dơ, bị cá khác bắt nạt, nhiệt độ và môi trường không thích hợp hay thậm chí bị thương). Bệnh nhiễm khuẩn thường gây ra một số triệu chứng điển hình như sau: bơi lờ đờ, bỏ ăn, đôi khi trên thân và vây có xuất hiện những vệt đỏ hay thậm chí lở loét…

Chữa trị: có nhiều loại vi khuẩn nên cũng có nhiều loại thuốc chữa bệnh liên quan đến vi khuẩn. Một số thuốc có tác dụng trên vi khuẩn gram âm trong khi số khác lại tác dụng trên các vi khuẩn gram dương. Nếu bạn không biết cá của bạn bị mắc loại vi khuẩn nào thì bạn nên sử dung các loại kháng sinh phổ rộng tức có tác dụng với cả gram âm lẫn gram dương. Hầu hết những vi khuẩn gây bệnh cho cá đều là loại gram âm. Những loại vi khuẩn gram âm thông dụng gồm Aeromonas hydrophilaAeromonas salmonicidaFlavobacterium columnare (gây bệnh lở miệng), Vibrio và Pseudomonas. Những loại vi khuẩn gram âm khác thuộc lớp coliform (vi khuẩn tiêu hoá) chẳng hạn như E. coli và các vi khuẩn phân huỷ như Nitrosomonas sp.Nitrobacter sp. và septicemia (gây ra những đốm đỏ ở cá).

Một vài loại vi khuẩn gram dương thông dụng gồm Staphylococcus và Streptococcus.

Phòng bệnh: thuốc kháng sinh không thực sự tiêu diệt vị khuẩn, thay vào đó nó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để cá tự chống lại bệnh tật. Do vậy, cần hết sức theo dõi và điều chỉnh các yếu tố về môi trường, chất lượng nước, dinh dưỡng và những yếu tố khác. Cá rất dễ bị nhiễm bệnh một khi chúng bị căng thẳng do tác động của các yếu tố môi trường (cá khác đe doạ, nhiệt độ không thíc hợp hay thay đổi đột ngột…) cũng như nước dơ.

Bệnh nhiễm khuẩn nội: hầu hết các loại thuốc chữa bệnh nhiễm khuẩn đều chỉ có tác dụng bên ngoài. Do đó để chữa bệnh nhiễm khuẩn nội, chúng ta cần phải đưa thuốc vào BÊN TRONG cơ thể cá. Cách chữa trị thông dụng là cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc, cách khác nữa là chích thuốc cho cá nhưng người nuôi cá bình thường khó có khả năng làm theo cách này.

May mắn thay, một số loại kháng sinh đặc biệt có khả năng thẩm thấu trực tiếp vào bên trong cơ thể cá chẳng hạn như Anti-Bacterial (hãng Aquarium Pharmaceuticals) và Maracyn-Two (hãng Mardel Labs – trị vi khuẩn gram âm).

Bệnh ký sinh (parasite)
Mô tả: một số loại ký sinh tác động bên ngoài và một số tác động bên trong cơ thể cá. Có rất nhiều loại thuốc chữa bệnh khác nhau nên chúng ta cần phải nghiên cứu và xác định đúng bệnh trước khi tiến hành chữa trị.

Cá có biểu hiện lờ đờ, chán ăn, thở gấp và gầy ốm vì sụt cân có thể mắc bệnh nội ký sinh. Hãy kiểm tra xem chúng có bị bướu hay không. Bệnh đốm trắng là một trong những bệnh ký sinh phổ biến, cá mắc bệnh này có nhiều đốm trắng phủ khắp toàn thân. Bệnh phổ biến tiếp theo có lẽ là bệnh nấm velvet, cá mắc bệnh này có rất nhiều đốm mịn li ti màu vàng nhạt nổi khắp thân.

Chữa trị: có rất nhiều loại thuốc hiện đang lưu hành trên thị trường bao gồm muối đồng, formalin và malachite green. Nhưng nên nhớ rằng một vài chất chống chỉ định đối với một số loài thuỷ sản, chẳng hạn như động vật thân mềm. Tốt nhất bạn nên tìm hiểu xem loại thuốc sắp sử dụng có phù hợp với cá của bạn hay không.

Chẳng hạn một số loài cá mũi voi (mormyrid) hay cá da trơn rất nhạy cảm với thuốc có chứa thành phần malachite green. Hay việc điều trị bằng formalin có thể làm nồng độ ô-xy hoà tan trong nước bị giảm.

Phòng bệnh: cách ly cá mới nhiều ngày để theo dõi tình trạng sức khoẻ trước khi thả vào hồ để tránh lây nhiễm bệnh. Bệnh truyền nhiễm cần môi trường trung gian như cá bệnh, nguồn nước, vợt, tay hay bất thứ gì dính đến nước để truyền nhiễm. Cẩn thận sát trùng tất cả các dụng cụ kể cả tay sau khi tiếp xúc với cá bệnh.

Bệnh nội ký sinh: có một vài loại thuốc chuyên chữa trị các bệnh nội ký sinh. Cách khác cũng rất hiệu quả là cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc. Sản phẩm chuyên dùng để chữa bệnh nội ký sinh là Pepso (hãng Jungle).

[IMG]
Một trường hợp cá bị nhiễm ký sinh ngoài da (nguồn www.bettatalk.com). Trước hết cần thay nước 1-2 lần/ngày để loại bỏ mầm bệnh tức trứng và ấu trùng trong nước, sau đó tìm cách chữa trị thích hợp đối với mỗi loại ký sinh.

Bệnh giun sán
Nguyên liệu:

– Nửa lạng thịt bò (loại ngon, toàn nạc) xay nhuyễn.

– Nửa củ cà rốt: đem ép lấy nước cốt (tạo mùi thơm)

– Một viên Fugacar

– Chất kết dính

Cách làm:

– Dùng chày tán nhuyễn Fugacar. Sau đó trộn với nước ép cà rốt ở trên cho đến khi tan hoàn toàn.

– Trộn chung với thịt bò xay nhuyễn.

– Cho thêm chất kết dính. Cho từng ít một, nhào thật kỹ.

– Bỏ tủ lạnh (ngăn thịt).

[IMG]

Điều trị:

– Cho cá bệnh nhịn đói 1-2 ngày

– Dùng nhíp ngắt từng viên nhỏ thịt bò cho cá ăn

– Thay nước ngay trong ngày nếu nước thấy nước bị đục.

[IMG][IMG]

Bệnh nhiễm virus
Có rất ít thông tin về bệnh nhiễm virus ở cá. Chúng không thể hiện các triệu chứng cụ thể vì vậy người nuôi cá bình thường hầu như không có khả năng điều trị bệnh này nhưng dù sao tôi vẫn cũng cấp một số thông tin ở đây.

Không giống như các bệnh ký sinh, nấm và nhiễm khuẩn, virus tấn công vật chủ và trú ngụ bên trong tế bào của chúng. Vì vậy, virus rất khó phát hiện ngoại trừ đem quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Không có loại thuốc thực sự chữa bệnh nhiễm virus, cá bị bệnh nên được cách ly và thay nước thường xuyên để chúng tự hồi phục.

Một ví dụ về bệnh nhiễm virus là bệnh Lymphocystis, còn gọi là bệnh bướu Lymph hay sùi bắp cải mà chúng thường tấn công vây của cá. Loại virus này tạo ra những đốm trắng sùi lên như bắp cải trên vây cá. Bướu lớn nên được cắt bỏ hay cắt một phần vây chứa bướu để cá khỏi vướng víu khi bơi hay cứ để như vậy. Nếu cá bị xuất huyết và bướu mọc trở lại thì tốt nhất nên cứ để như vậy. Đôi khi cần chữa trị bằng kháng sinh vì vết thương bị nhiễm trùng. Bằng không nó sẽ không gây khó chịu cho cá và không nên đụng vào. Bệnh này có thể làm cá chết vì đôi khi nó lan vào nội tạng bên trong cơ thể, nhưng đa số trường hợp nó sẽ tự biến mất mà không cần phải chữa trị. Cá bị bệnh nên được cách ly để khỏi truyền bệnh cho cá khác. Sau khi lành bệnh, vẫn nên cách ly cá thêm một tháng.

[IMG]
Bướu ở con cá này sùi lên như bắp cải và lớn dần sau vài tuần. Tôi thường nặn bướu nhưng rồi nó lại phát triển như cũ. Vì nó không nằm trên vây nên tôi không thể cắt bỏ.

[IMG][IMG]
Để ý đến bướu màu trắng trên đuôi con cá thứ nhất và con cá thứ hai cũng vậy. Ban đầu bướu có màu đỏ nhưng lâu ngày sẽ chuyển sang màu trắng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.