Betta macrostoma Regan, 1910
Haji Badaruddin (Eddy) – http://clearwateraquatics.biz
Betta macrostoma Regan, 1910[1] được phát hiện ở hai nơi: quận Labi, Brunei và vùng Marudi ở bang Sarawak, Malaysia[2]. Chúng cư ngụ trong các dòng chảy có tốc độ trung bình bên dưới tán cây rừng. Ở những nơi đó, cá con thường ẩn mình trong đám lá rụng và bụi cỏ gần bờ. Cá trưởng thành thường xuất hiện gần những đám rễ cây nơi có rất nhiều tép, loại thức ăn ưa thích của chúng. Độ pH từ 4.8 đến 5.8, nhiệt độ từ 25 đến 27 độ C.
Betta macrostoma là loài cá được “tìm hiểu và tán tụng” nhiều nhất bởi những người nuôi cá betta. Nó được biết như là loài cá khó nuôi nhất và đòi hỏi những điều kiện nuôi dưỡng lý tưởng. Nói ngắn gọn, mọi người phải “đọc đi đọc lại” tất cả những kiến thức cần thiết để nuôi dưỡng loài cá xinh đẹp này. Có một truyền thuyết lan truyền trong số những người nuôi cá betta hoang dã rằng chỉ có những tay “siêu cao thủ” với kinh nghiệm nuôi cá dày dạn mới đủ khả năng nuôi loài cá này. Do đó, những người sở hữu chúng thuộc về một đẳng cấp cao hơn những người nuôi cá thông thường.
Với người sưu tầm cá, loài cá này được thu thập ở sâu trong rừng rậm nhiệt đới, nơi chỉ có thể đến được bằng đường bộ và mỗi địa điểm mất khoảng từ 3 đến 6 tiếng di chuyển. Kết quả, người ta phải bắt cá với số lượng lớn để dự trữ. Khác với điều mọi người lo lắng về sự tuyệt chủng của loài cá này, trên thực tế chúng xuất hiện ở sâu trong rừng với số lượng rất nhiều. Vấn đề ở chỗ phải tìm thấy đúng địa điểm mà thôi. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng một số quan chức hữu quan đang cố gắng đặt loài này dưới sự bảo vệ của CITES, tương tự như cá rồng, việc xuất khẩu loài cá này sẽ bị hạn chế.
Betta macrostoma – “vua của nhức đầu và hồi hộp”
Cá rất dễ bị mắc bệnh thối vây và chết sau đó 2-3 ngày. Chúng được chữa trị bằng cách thêm muối và methylene blue. Loại bệnh nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn nội, cá nhiễm bệnh có thể bỏ ăn và nằm dưới đáy hồ. Chúng thường chết trong vòng 3 ngày. Hiện nay, chúng tôi thường chữa trị cho chúng bằng methylene blue, muối và bột vàng. Trong thời gian chữa trị, hồ cá được che kín và thay 10% nước mỗi ngày. Để phòng bệnh, tốt nhất chúng ta nên giữ cá trong môi trường không có nitrate bằng cách thay nước liên tục để duy trì cá trong tình trạng mạnh khỏe.
Cách lai tạo tốt nhất là chọn ra cặp cá trưởng thành có cùng kích thước và cho ăn thức ăn tươi như cào cào, dế, giun đất và tép. Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, hồ lai tạo thường được che lại. Quá trình ấp thường kéo dài khoảng 30 ngày sau đó cá con được cho ăn artemia. Thông thường chúng tôi bắt cá mái ra trong khi cá đực đang ấp trứng. Sau khi quá trình ấp hoàn tất, chúng tôi bắt nốt cá đực. Trong khi ấp, không nên cho cá đực ăn.
Một con cá đực đang nhai cào cào.
Lưu ý không nên cho cá ăn quá nhiều vì có thể làm cá bị chết. Cho cá ăn mỗi ngày một lần là đủ. Vấn đề đối với người mới nuôi ở chỗ họ cho cá ăn liên tục vì nghĩ rằng chúng sẽ lớn mau hơn. Cách nuôi cá kiểu này không thể áp dụng đối với loài macrostoma. Đúng là cá sẽ nuốt bất cứ thứ gì mà bạn cho chúng ăn nhưng sau một thời gian chúng sẽ nhiễm khuẩn nội và bỏ ăn. Chúng sẽ chết rất nhanh, chỉ trong vòng một tuần.
Một vấn đề khác cần lưu ý đó là cá sống ở địa bàn có nhiệt độ từ 25 đến 27 độ C, do đó chúng thích hợp với nước hơi mát. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn phải sử dụng bộ làm lạnh (chiller) để nuôi cá. Có cách khác để làm nước mát đó là gia tăng nồng độ o-xy trong nước. Tốc độ chuyển hóa ở loài này chậm do đó chúng không lớn nhanh lắm. Chúng tôi nuôi tất cả cá macrostoma trong hồ kiếng ở nhiệt độ từ 27 đến 29 độ C mà không gặp vấn đề gì.
Ngày nay, rất khó kiếm được cá cái vì chúng rất hiếm. Hầu hết cá bán trên thị trường đều là cá non. Vấn đề gặp phải khi mua cá non đó là bạn rất khó phân biệt giới tính của chúng, vì vậy hầu hết mọi người đều mua phải cá đực. Không nghi ngờ gì nữa, cho dù khó nuôi và “mỏng manh”, Betta macrostoma là lựa chọn hàng đầu trong danh sách sưu tập của bất kỳ nhà nuôi cá betta hoang dã nào.
Ghi chú (VNRD)
[1] Betta macrostoma Regan, 1910 : loài này được nhà ngư loại học Regan mô tả vào năm 1910 trong tác phẩm Họ cá rô châu Á (The Asiatic fishes of the family Anabantidae. Proc. Zool. Soc. Lond. 767-787) (theowww.fishbase.org).
[2] Quốc gia Malaysia bao gồm hai phần chính là phần bán đảo (Malaysian Peninsula) và các bang Sarawak, Sabah ở phía bắc đảo Borneo. Phần phía Nam đảo này gọi là Kalimantan thuộc về Indonesia. Nằm lọt thỏm trong bang Sarawak là Brunei, một quốc gia khác. Tôi tin là nhiều người trong chúng ta chỉ biết về đất nước Malaysia như là phần bán đảo mà thôi vì vậy mà các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy Eddy đề cập đến biên giới giữa Sarawak, Malaysia với Brunei và Indonesia. Các bạn có thể tham khảo bản đồ đảo Borneo ở đây.
Nguon : diendancacanh