Tóm tắt về các lớp màu ở cá betta
1. Tế bào sắc tố là gì và có bao nhiêu loại?
Tế bào sắc tố nằm ở lớp da bên ngoài và tạo nên màu sắc của cá. Có hai loại tế bào sắc tố là tế bào sinh học (biochrome) và tế bào cấu trúc (schemachrome).
Tế bào sinh học bao gồm tế bào đen/nâu (melanophore), tế bào đỏ/cam (erythophore), tế bào vàng (xanthophore) và tế bào xanh/tím (cyanophore, loại này chỉ tồn tại ở một số loài cá biển và bò sát, thông tin về chúng rất ít).
Tế bào cấu trúc bao gồm tế bào ánh kim xanh (iridophore) và tế bào ánh kim trắng (leucophore).
2. Bản chất tạo màu của các loại tế bào sắc tố?
Các tế bào sinh học chứa sắc tố (pigment) tương ứng với nó. Sắc tố phản xạ với một loại màu nhất định và hấp thu tất cả những màu còn lại. Chẳng hạn, tế bào đỏ/cam có chứa sắc tố carotene (và các dẫn xuất khác của nó như astaxanthin, cathaxanthin), chất này phản xạ ánh sáng đỏ/cam và hấp thu tất cả các màu còn lại nên chúng ta thấy cá có màu đỏ/cam.
Các tế bào cấu trúc không chứa sắc tố mà là tinh thể trong suốt. Vì trong suốt nên ánh sáng đi xuyên qua nó chứ không bị hấp thu như ở sắc tố. Màu mà chúng ta nhìn thấy là bước sóng ánh sáng phản xạ từ bề mặt tinh thể.
3. Màu ánh kim (hay màu cấu trúc) ở cá betta gồm những loại màu gì?
Màu ánh kim ở cá betta bao gồm:
– Các loại màu truyền thống như xanh dương, xanh thép và xanh lục.
– Màu đồng và những màu xuất phát từ màu đồng như metallic hay mask.
4. Sự khác nhau giữa các loại màu ánh kim ở cá betta?
Đó là sự lấp lánh. Các màu mới như màu đồng, metallic và mask có độ lấp lánh nhất định so với các màu ánh kim truyền thống. Để hiểu rõ nguyên nhân, chúng ta hãy tìm hiểu cấu tạo của tế bào ánh kim của mỗi loại màu:
– Ở những màu ánh kim truyền thống như xanh dương, xanh thép và xanh lục, cấu tạo của tế bào ánh kim bao gồm nhiều tấm hay đĩa tinh thể với kích thước và khoảng cách đồng nhất nên chúng phản xạ ánh sáng hầu như ở một bước sóng (ở mọi góc phản xạ), cho nên chúng ta chỉ thấy cá có một màu nhất định.
– Ngược lại, ở những màu mới như màu đồng, metallic và mask, các tấm tinh thể có độ dày khác nhau và khoảng cách giữa các tấm cũng khác nhau, cho nên chúng phản xạ ánh sáng theo một dải sóng (các bước sóng khác nhau ở từng góc phản xạ) vì vậy chúng ta thấy cá lấp lánh mỗi khi chúng chuyển động hay khi chúng ta thay đổi góc nhìn!
5. Các lớp màu ở cá betta?
Các lớp màu ở cá betta thuần dưỡng theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm:
1/ ánh kim (iridophore): xanh dương, xanh lục, xanh thép và màu đồng (copper).
2/ đỏ
3/ đen
4/ vàng/cam
Ở cá betta hoang dã, lớp màu đen nằm trước lớp màu đỏ!
6. Bản chất của màu trắng và bạch tạng ở cá betta?
Màu trắng: bao gồm opaque và phấn (pastel). Màu trắng ở cá betta hình thành nhờ sự tích lũy của chất guanine lên bề mặt da. Một số cá thể opaque bị khiếm khuyết gen và không thể ngưng việc tích lũy này. Chất guanine tích lũy ngày càng dày, thậm chí chúng còn tích lũy lên cả nhãn cầu làm mắt cá bị sùi lên. Những con cá opaque như vậy thường bị lòa dần khi về già nên chúng ta phải cho chúng sinh sản càng sớm càng tốt.
Bạch tạng: khi tất cả các lớp màu ánh kim, đỏ, đen, vàng/cam không hiện diện ở thân và vây (còn mắt là một trường hợp đặc biệt).
– Màu bạch tạng ở vây là màu trong suốt (không phải lớp phấn) như ở cá betta bướm.
– Màu bạch tạng ở thân là màu thịt (vì thiếu tất cả các lớp màu).
– Màu bạch tạng ở mắt là màu đỏ (mắt bình thường có màu đen).
7. Màu sắc và cách phối màu
Sau đây là cách phối màu dựa trên các màu cơ bản. Việc lai tạo màu sắc ở cá betta không đơn giản như việc trộn màu tuy nhiên nó là gợi ý tốt để chúng ta chuẩn bị các màu tương ứng để lai tạo. Chẳng hạn, khi lai tạo cá betta tím, người ta liên tưởng đến cặp cá giống xanh – đỏ.
Các màu cơ bản
Có tổng cộng 6 màu cơ bản như sau:
– Trắng
– Đen
– Vàng
– Đỏ
– Xanh dương
– Xanh lục
Các màu phối hợp
Là kết hợp giữa các màu cơ bản, chẳng hạn:
– Cam = Đỏ + Vàng
– Tím = Đỏ + Xanh
– Hồng = Đỏ + Trắng
– Nâu = Đỏ + Đen
– Xám = Đen + Trắng
– Xanh lá mạ = Xanh lục + Vàng
– Xanh ngọc = Xanh lục + Xanh
Vấn đề của màu đỏ
Màu đỏ thường dính màu đen hay ánh kim nên người ta phải lai với cambodian để xóa đi. Nhưng cambodian lại làm mất lớp màu đen bên dưới và làm màu đỏ nhạt đi.
Để duy trì dòng cá đỏ, người ta lai xa chúng với dòng cá đỏ chất lượng khác hay cá màu cam.
Vấn đề của màu vàng/cam
Lai cá màu vàng với nhau mãi sẽ làm màu sắc càng lúc càng nhợt nhạt (không rõ tại sao) nên người ta thường lai với cá màu đỏ để củng cố màu vàng.
Màu vàng cũng bị dính ánh kim và đen nên phải lai với cambodian để xóa bớt. Có ý kiến cho rằng lai cá màu vàng với cambodian là cách tốt nhất để duy trì màu vàng.
Như vậy, cá cambodian đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các dòng cá khác.
Dịch bởi: Vnreddevil – diendancacanh
Ở loài rồng (Dragon) ta cũng có một số bản màu như sau: (đây là một số bản màu mà chính tôi đã lai tạo và nhận thấy suốt thời gian qua).
Rồng Vàng + Rồng Đỏ = Rồng Cam, Rồng Đỏ ảnh Vàng, rồng Cam ánh Vàng, Rồng Vàng đậm, Rồng Đỏ nhạt, Rồng Đỏ lột(Marble).
Rồng Xám(Copper) vẩy Bạc (silver) + Rồng Đỏ Xám = Rồng Đen, Rồng Đen Đỏ, Rồng Xám Đỏ, Rồng Siler Đỏ.
Rồng Gold + Đốm Cam (Dalmatian) = Rồng Gold vẩy Xanh ngọc, Cambodian, Đỏ, Rồng Gold đốm Cam.
Fancy:
Chọn cá cha có màu nền mà bạn thích ép với mái Fancy, rồng fancy = Kết quả.
P/s: Quan trọng là bạn phải kiên nhẫn, chờ đợi cá ở độ tuổi 5 tháng. Để có thể chọn ra những cá thể bạn xem là tốt nhất để duy trì nó.
Còn một số màu nữa tôi sẽ cập nhật tiếp….
Còn các màu như: Monter (cá có phần màu sắc từ nắp mang trở lên phần miệng, đầu cá là trắng), Tiger (có sọc như cọp), Fancy (cá có nhiều màu [3 màu trở lên] và luôn luôn thay đổi màu sắc cho đến khi già), Koi (Có màu giống cá Koi). Đều thuộc dòng cá Marble.
Đặc điểm chung: tất cả nhóm màu thuộc dòng này khi về già đều trở lại màu cơ bản, nhị sắc, hoặc marble.