cách nuôi dưỡng cá Betta mới nở ở mực nước cực thấp | cách ấp cạn

Phương pháp nuôi dưỡng cá Betta mới nở ở mực nước cực thấp

[IMG]

Đôi dòng suy nghĩ và vài ghi nhận về chuyện ép cá Betta
Đối với người chơi cá Lia Thia, cá Xiêm hay cá Phướn, khi nói đến việc ép cá để duy trì dòng cá mình ưa thích thì chẳng ai xa lạ gì nữa. Thậm chí nhiều người cho rằng mình đã rất thành công trong việc này. Họ không phải không có lý, bởi số lượng cá này được bày bán rất nhiều trong thành phố, hầu như trong tiệm cá cảnh nào cũng có.

Nhưng đối với dòng cá Betta HM thì khác. Đối với những ai đã từng có kinh nghiệm ép cá Xiêm đá thì họ có lợi thế hơn những ai chưa từng ép qua. Nhưng thực tế, không ít bạn đã từng ép cá Xiêm đá qua rồi nhưng đến khi ép cá HM lại than phiền : “Sao lúc trước mình ép cá Xiêm rất dễ, mà bây giờ ép cá HM, cá con sống sót không nhiều, chỉ còn chừng vài ba chục con hà và không có con nào đạt chuẩn HM cả”.

Vì vậy mà ít thấy người ta bày bán cá HM ngoài thị trường. Nếu có thì chỉ là một số ít các nhà nhập khẩu cá, thỉnh thoảng họ nhập về một hai đợt hàng, đa phần đều phải nhập từ Thái Lan. Hoặc có chăng chỉ một số rất ít các nhà lai tạo vẫn còn giữ cho mình một vài dòng HM cho đến nay, nhưng họ lại không tung ra thị trường nhiều, họ chỉ giữ riêng nuôi làm cảnh hoặc nhượng lại cho bạn bè thân hữu. Do đó mà những người yêu thích cá Betta HM ít có cơ hội tậu về cho mình những chú cá HM xinh xắn vừa ý. Và cũng chính vì thế mà khi họ tậu được vài cặp cá như ý thì vấn đề đặt ra ngay trong đầu họ là phải tự cho chúng đẻ để duy trì dòng cá, sau này mới còn cá mà chơi. Hầu như tất cả những người ưa thích cá HM đều đã từng cho cá này đẻ qua. Thành công cũng có, nhưng thất bại cũng không ít. Thậm chí nhiều lần ép không thành công nên một số người chơi cũng nản chí mà ngày một xa dần với thú vui tao nhã này.

Vậy thực chất, ép cá HM có khó không? Ép như thế nào là hay nhất ? Và hàng loạt những câu hỏi khác cũng được đặt ra : “Cho cá con ăn những gì khi mới nở? Làm sao để nuôi cá con lớn lên một cách đông đúc?

Đó là những câu hỏi thường gặp ở những bạn tập tành ép những cặp cá HM đầu tiên. Theo tôi, ép cá HM không khó nếu chúng ta chịu khó bỏ ít thời gian ra quan sát và can thiệp kịp thời khi có vấn đề. Ép như thế nào thì tốt nhất ? Tôi nghĩ rằng chẳng có cách ép nào được xem là tốt nhất cả. Nếu các bạn đã từng tham khảo qua những người đã từng ép cá thành công thì sẽ thấy rằng mỗi người có một kiểu ép cá khác nhau. Vấn đề ở đây là tùy khả năng và phương tiện mình có mà tận dụng sao cho có hiệu quả thôi. Chẳng hạn như có người ép cá trong một hồ rộng rãi với thật nhiều rong nhằm tạo thức ăn cho cá ngay trong hồ ép. Có người ép cá trong một chậu nhỏ, chật hẹp, sau đó chuẩn bị thức ăn bên ngoài chậu ép. Khi cá nở sẽ bỏ thức ăn vào sau, v.v… Nuôi cá con lớn cũng không hề khó khăn, bởi với hàng loạt các giải pháp về thức ăn dành cho cá con từ lúc mới nở cho đến khi cá trưởng thành thì đây cũng không phải là vấn đề lớn.

Vậy thì vấn đề còn lại là gì ? Khi lai tạo cá HM, ta có thể nắm được dòng gen của cá, nắm được quy luật di truyền màu sắc hay các kiểu đuôi của chúng, nhưng chúng ta không thể biết được chúng có phải là những ông bố hay bà mẹ tốt hay không. Chỉ có nhập cuộc rồi mới biết.
Vậy có một vấn đề mà tôi rút ra được trong quá trình ép cá, đó là cá HM hay gặp trục trặc về bản năng sinh sản duy trì nòi giống, nhất là ở những con cá đẹp thì thể hiện càng rõ hiện trạng này. Không ít các bạn ép cá hay than thở : “ Sao cá trống lại ăn trứng ? Sao nó không biết giữ tổ bọt, cá con chìm xuống đáy hồ và chết ?” Hay thậm chí: “Cá con đã nở rồi, cá trống chăm thế nào mà cá con chết gần hết ?” …

Để giải thích cho sự việc này, theo suy luận và hiểu biết của mình, tôi cho rằng đó là hậu quả của quá trình lai tuyển chọn, khi mà người ta chỉ tập trung vào nét đẹp của bộ vây hay màu sắc mà không chú ý đến yếu tố bản năng sinh sản của cá. Và những khó khăn này là một trong những điều khiến cho những người đam mê HM phần nào nản chí khi ôm ấp trong lòng cả một kế hoạch lai tạo và phát triển dòng cá mà mình thích.

Đối với những con cá có tật ăn trứng, ngay khi cá mái mới vừa đẻ, chúng lập tức thanh toán sạch sẽ, thậm chí có con ăn trứng đến mức căng bụng giống như cá mái vậy. Đối với những con cá có tật này, chúng ta không có phương kế nào để lấy giống nó được cả. Và tôi nghĩ, cũng chẳng cần lấy giống chúng làm gì, vì biết đâu tật này lại di truyền cho thế hệ sau thì không hay chút nào.

Còn đối với những ông bố không biết trông con, hay trông con quá tệ thì sẽ dẫn đến hậu quả gì? Phần lớn cá con chìm xuống đáy hồ và chết dần. Chỉ còn lại rất ít cá con sống sót, đó là những con khỏe nhất. Và khi chúng lớn lên, sẽ chỉ có rất ít cá thể đạt chuẩn HM, hoặc thậm chí không có cá thể nào đạt cả, bởi tỷ lệ đạt HM trung bình từ 10% đến 20% thôi (cũng có trường hợp tỷ lệ cá đạt chuẩn lên đến 60%-70%, nhưng chỉ tập trung ở những cặp cá khá thuần về tính trạng HM và chỉ tập trung ở một số màu nhất định). Như vậy muốn có nhiều cá HM thì nhất định số lượng cá thể trong một bầy phải nhiều.

Phương pháp nuôi dưỡng cá con ở mực nước cực thấp
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin mạn phép đề cập đến một kinh nghiệm mà tôi rút ra được trong quá trình ép cá của mình. Nó sẽ phần nào khắc phục được tình trạng cá trống chăm con không kỹ hay không chăm con, đồng thời giữ cho tỷ lệ nở và sống sót của cá con cao hơn, đó là “cách ép cá Betta và dưỡng cá con ở mực nước cực thấp”.

Cách làm như sau:
Ta cho cá ép trong hồ kiếng 15x15x20. Lưu ý đây là cách ép cá có kiểm soát nên không cần thiết phải ép hồ lớn. Các bước chuẩn bị giống hệt như một số bạn đã chỉ dẫn trên diễn đàn: cho cá trống và cá mái kè nhau cho quen mặt vài ngày, chuẩn bị trước nước xà lách ngâm để tạo trùng cỏ. Khi cá trống tạo tổ bọt rồi, cho cá mái vào hồ ép. Khi cá mái đã đẻ trứng xong, nó hay nằm ở một góc hồ. Ta bắt cá mái ra, để cá trống chăm trứng. Từ giai đoạn này trở đi, ta sẽ lưu ý để can thiệp. Thường nếu cá trống có tật ăn trứng thì nó sẽ xơi không còn trứng nào. Còn nếu các bạn thấy trứng không mất đi, nghĩa là bạn có thể yên tâm vì con trống đó không ăn trứng đâu. Thời gian đầu, thường thì cá trống vẫn đủ sức giữ tổ trứng, nhưng khoảng 24h sau đó (đây là thời điểm trứng đang nở), đa số những con trống kém về khả năng chăm con thì hay thể hiện khiếm khuyết trong giai đoạn này. Các bạn quan sát thấy trứng đã chuyển thành cá con (có đuôi dài ra nhưng bụng vẫn mang noãn hoàn). Nhưng chúng chưa biết bơi ngang đâu. Chúng chỉ chuyển động giật, nghĩa là chúng vọt qua vọt lại hay xoay vòng, lúc vượt lên mặt nước, lúc chìm xuống đáy hồ. Nếu các bạn quan sát thấy có quá nhiều cá con nằm dưới đáy hồ mà cá trống vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra thì đúng là nó không biết chăm con đó. Trường hợp này khá phổ biến đối với cá HM, nhất là những con cá đẹp hay bị như vậy. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều người nản lòng khi ép HM.

Khi gặp trường hợp như vậy, các bạn lập tức dùng tay (đã rửa sạch) bắt cá trống ra. Lưu ý là ta không dùng vợt bắt cá trống vì có thể vướng cá con trong vợt.

Sau đó bạn dùng ống hút nước lại nhỏ, loại mà ta hay dùng cho các máy thổi khí, hút nước trong hồ ép cá ra ngoài. Hút chậm rãi, coi chừng hút nhầm cá con. Khi gần cạn, để tránh hút nhầm cá con, các bạn có thể dùng ống chích loại lớn hút nhiều đợt cho đến khi mực nước chỉ còn độ 0,5 cm thôi. Với mực nước như thế, cá con không cần cá bố vẫn có thể ngoáy đuôi trồi lên mặt nước dễ dàng để có thể lấy dưỡng khí. Một điều lưu ý là với mực nước thấp như thế sẽ rất dễ gặp nguy cơ nước bị ô nhiễm, nên khi ép cá các bạn phải vệ sinh hồ thật sạch, dùng nước mới hoàn toàn. Các bạn tránh để hồ ép cá nơi có ánh sáng quá mạnh (gần chỗ có nắng) hay quá tối.

Sau khi rút nước xong, các bạn đậy nắp hồ ép lại nhưng đừng quá kín nhé. Vấn đề còn lại là các bạn chỉ chờ đợi thôi. Nếu thời tiết ấm, chỉ cần một ngày sau nữa là cá con bơi ngang được. Còn khi trời mát hay lạnh, phải chờ đến 2 ngày sau. Các bạn nhớ theo dõi thường xuyên một chút để can thiệp ngay, vì nguy cơ ô nhiễm nước đang rình rập.

Khi thấy cá con khỏe rồi, chúng bơi ngang được rồi thì lập tức cho nước xà lách có trùng cỏ vào, nhưng với một lượng rất ít, độ chừng vài giọt ở mỗi góc hồ.

Một ngày sau ta lại dùng ống chích loại lớn như lúc rút nước, nhưng lần này là để châm nước vào. Cho nước dâng lên thêm khoảng 1 cm. Nhớ cho cá con ăn trùng cỏ.

Cuối cùng, khi thấy cá con ăn được trùng cỏ thì ta có thể đổ ra hồ lớn. Hồ lớn cần nhất là rộng rãi chứ không cần nước cao.

Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ. Hy vọng giúp được các bạn phần nào hạn chế tỷ lệ chết của cá con mới nở, từ đó phát triển bầy đàn đông đúc, mặc sức lựa chọn cá đạt chuẩn HM. Vì chưa chụp được hình minh họa nên mong các bạn thông cảm. Khi có hình minh họa mình sẽ post bổ sung ngay nhé.(*) Chúc các bạn thành công.
_____________________
(*)Hình minh họa chỉ mang tính tạm thời khi đợi Anh Cedric bổ sung hình chi tiết hơn – nlkhanh

[IMG]
[IMG]

nguồn diendancacanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.