Betta sp. “Mahachai”
Nonn Panitvong – www.siamensis.org
Betta sp. Mahachai
Vào một buổi chiều muộn tháng 10 năm 2001, tôi và 2 người bạn thân đang đứng bên đường cao tốc ngang qua vùng Mahachai thuộc tỉnh Samutsakorn, Thái Lan. Trước mặt chúng tôi là đầm lầy cây Nypa fruticans, loài dừa nước chỉ mọc ở vùng nước lợ. Nước có lẫn nhiều bùn. Chúng tôi không rõ nước sâu đến đâu. Vì nằm gần thành phố và khu công nghiệp, chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy rất nhiều rác thải. Có đủ thứ từ những túi nhựa nhỏ cho đến một cái ghế cũ. Tôi không rõ sinh vật nào có thể sống trong vùng nước này ngoài loài cá bạc đầuAplocheilus panchax nhỏ bé, mà tôi thấy chúng bơi chứng tỏ rằng cá có thể sống ở đây.
Chúng tôi đến đây hôm nay để săn lùng loài mà nhiều chuyên gia Thái Lan tin là loài mới thuộc chi Betta. Tôi đã tận mắt chứng kiến loài cá này và ở chúng có đủ những khác biệt bề ngoài so với những loài betta đã biết khác. Nhưng tôi vẫn phải chứng kiến loài cá này trong môi trường tự nhiên của chúng để tin rằng chúng thực sự là một loài mới hay chính chúng là như vậy chứ không phải là cá lai tạp. Một số người nói rằng đây là cá lai bị sổng ra nhưng nếu tôi có thể chứng minh rằng vùng phân bố của chúng đủ lớn, thì chúng ta sẽ có một loài betta mới ở ngay “trước ngõ”. Mahaichai chỉ cách trạm xe điện Bangkok có 30 phút lái xe trên đường cao tốc – nơi mà 10 triệu người dân gọi là nhà.
Tôi bắt đầu việc tìm kiếm từ sáng sớm khi viếng thăm một nhà lai tạo địa phương. Sau một cuộc thảo luận dài để thuyết phục anh ta tin rằng tôi muốn tìm kiếm loài cá này vì mục đích khoa học và chúng tôi không có ý định thu thập cá với số lượng lớn; anh đã tiết lộ cho chúng tôi biết nơi có thể tìm thấy loài betta hoang dã ở Mahachai.
Trở lại vùng đầm lầy, sau cùng tôi quyết định bước xuống nước. Chúng tôi đã tiến được rất xa và không thể bỏ cuộc. Mỗi người chúng tôi cầm một cái vợt lớn. Chúng tôi không có ủng lội nước, mà chỉ đi xăng-đan. Tôi ngạc nhiên vì nước không nặng mùi như tôi nghĩ. Theo kinh nghiệm trước đây của tôi về cá betta ngoài môi trường tự nhiên, tôi thấy chúng thích ở gần bờ nơi mà cỏ và dây leo giúp chúng ngụy trang. Chúng tôi bắt đầu ở đấy. Sau nhiều lần vớt, chúng tôi đã bắt được một số cá bạc đầu Aplocheilus panchax – biến thể màu cam với viền đen ở các vây lẻ, rất nổi bật! – cá bã trầu Trichopsis vitatus và vài con tép nhỏ. Chúng tôi không háo hức lắm mặc dù cá bạc đầu A. panchax rất đẹp.
Sau 15 phút vớt cá liên tục chúng tôi đã thấm mệt. Tôi bắt đầu nghĩ đến thông tin mà nhóm chúng tôi thu thập được. Chúng tôi nghe nói rằng loài cá này xây tổ ở giữa những bẹ dừa nước, vì vậy, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm tổ bọt. Đấy là lúc tôi thấy 3 thằng nhóc địa phương đang đứng trên đường và nhìn chúng tôi cười khúc khích. Tôi có thể nghe thấy chúng nói đại loại “Dân thành phố chẳng bao giờ bắt được cá betta bằng những cái vợt đó.”
Tôi nói với chúng “Được rồi, nếu mấy em biết cách bắt cá như thế nào, sao không chỉ cho tụi anh?”.
Chúng đồng ý. Tụi nhóc bảo chúng tôi phụ kiếm tổ cá betta giữa những bẹ dừa nước. Chúng nói tổ bọt của cá betta tương đối nhỏ gọn, nếu chúng tôi thấy tổ bọt lớn thì đó là của cá sặc bướm Trichogaster trichopterus. Vậy là chúng tôi bắt đầu tìm kiếm. Hồi sau, một đứa đã tìm thấy tổ bọt. Trước sự ngạc nhiên của tôi, nó chủ động bắt con cá bằng tay không! Tôi rất phấn khích khi lần đầu tiên chứng kiến loài Mahachai hoang dã ngay tại môi trường tự nhiên của chúng. Thoạt nhìn, chúng rất giống loài lia thia mang xanh B. imbellis bởi màu xanh ánh kim, nhưng khi quan sát cặn kẽ tại nhà thì sẽ thấy hàng loạt điểm khác biệt rõ rệt (sẽ bàn nhiều hơn về sau). Điều mà tôi không thể hiểu được đó là, tại sao chúng lại xuất hiện ở khu vực này – vùng đồng bằng miền trung – nơi vốn thuộc về loài lia thia mang đỏ B. splendens. Dẫu vậy, hoàn toàn có khả năng loài betta này chiếm lĩnh địa bàn sinh thái mà loài B. splendens còn bỏ trống vì chúng không thể chịu đựng được môi trường nước lợ ở vùng này.
Phương pháp bắt cá betta của chú nhóc rất đơn giản. Nó chặn cửa vào tổ bọt bằng tay phải. Với bàn tay còn lại, nó dùng một cái que nhỏ để lùa cá betta ra khỏi tổ (xem hình). Bằng cách đó, con cá sẽ bơi vào bàn tay của nó một cách nhẹ nhàng. Cách mà chúng làm tổ, tuy rất hiệu quả trong việc bảo vệ tổ khỏi cá săn mồi lớn hơn, nhưng lại trở thành cái bẫy vì chỉ có một lối thoát. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực hiện không dễ chút nào. Để tìm ra tổ bọt vốn đã khó khăn rồi nhưng bắt chúng bằng tay không thậm chí còn khó hơn. Tôi không xấu hổ khi thú nhận rằng sau nhiều giờ tìm kiếm ở sâu trong đầm lầy, nơi không thể nghe thấy tiếng động từ những chiếc xe tải 10 bánh rền rĩ trên mặt đường, tôi không hề bắt được con betta nào.
Chú nhóc ở địa phương, người giúp chúng tôi bắt cá betta ở đầm lầy.
Tổ cá betta nằm giữa các bẹ dừa nước.
Một tay chặn cửa tổ, tay kia lùa cá bằng một cây que nhỏ.
Đồng khai thác muối trong vùng.
Một dạng môi trường khác nơi có cá betta cư ngụ.
Cây dừa nước Nypa fruticans hay Jark ở Thái Lan.
Chúng tôi ở khoảng 3 tiếng trong vùng đầm lầy dừa nước Nypa fruticans. Có nhiều loài chim, những con nhện kỳ lạ và một số côn trùng hiền lành. Dưới nước, chúng tôi đã bắt được Betta sp. Mahachai, cá lóc đen Channa striata, cá bã trầu Trichopsis vitatus, cá sặc bướm Trichogaster trichopterus, cá rô Anabas testudineus và cá bạc đầuAplocheilus panchax. Hầu hết những loài cá ở đây, ngoại trừ panchax là cá killi, đều là cá labyrinth mà chúng có bộ phận đặc biệt để thở trực tiếp từ không khí thay vì thở trong nước với nồng độ ô-xy thấp. Chúng tôi cũng gặp những người địa phương đến đầm lầy để bắt cá betta. Dĩ nhiên, nơi này không còn bí mật đối với họ. Đa số đều nói họ bắt cá để đá. Tôi nhận thấy mọi người dường như đều áp dụng phương pháp bắt cá mà tụi nhóc đã dùng. Đó là bắt cá trống ngay tại tổ của nó. Hầu hết cá chúng tôi thấy trong các túi và lọ của họ là cá đực. Tôi đoán rằng những con cá cái nhất định không ở đâu xa nên tôi đã dùng cái vợt lớn để xúc bên dưới đám lá và dây leo. Trong quá trình đó, tôi đã bắt được vô số loài cá khác nhau mà tôi đã đề cập ở trên nhưng vẫn không thấy con betta cái nào. Thật kỳ lạ khi săn lùng một con cá cái lại khó đến như vậy.
Ngày hôm đó, tôi trở về với 9 con Betta sp. Mahachai và vô số vết trầy xước khắp chân. Thật sung sướng vì sau này chúng tôi phát hiện thấy một trong số những con betta là cá cái. Mẫu nước mà tôi đem về nhà có độ pH là 7.8. Bỏ thêm một ít muối vào nước, B. sp. Mahachai sẽ sinh sản dễ dàng như là những loài betta khác trong nhóm Splendens. Con cá cái duy nhất của tôi sau đó lai với một trong số những con cá đực và một số cá con được phân phát cho những người bạn thân của tôi. Sau này tôi gặp một người từ Mahachai, người đã chia sẻ niềm đam mê về loài betta hoang dã này. Chúng tôi trao đổi cá để làm phong phú nguồn gene và hiện cá đang được phân phối đi khắp thế giới. Một số cá hoang dã thỉnh thoảng cũng xuất hiện trên các quầy hàng tại chợ cá ở Bangkok. Tôi đưa một số cá hoang dã của mình cho chuyên gia ở Bộ thủy sản để định danh. Họ sau này đã xác nhận với tôi rằng quần thể cá betta riêng biệt này dường như là một loài mới nhưng cần phải có thêm nhiều “mẫu vật” trước khi bắt đầu quy trình mô tả. Vì những lý do xác đáng, không thể sử dụng cá lai tạo vào việc mô tả loài hay phân loài.
Dẫu sao, điều không thể tin nổi đối với nhiều chuyên gia rằng làm thế nào mà loài cá nổi bật như vậy lại có thể thoát khỏi sự phát hiện của giới khoa học suốt một thời gian dài. Một số ý kiến phản đối rằng dựa trên sự phổ biến của cá đá trong vùng, loài betta này có lẽ là cá lai giữa B. splendens và B. imbellis bị sổng ra ngoài. Tuy nhiên, người bạn địa phương của tôi đã khẳng định rằng loài betta này có phân bố rộng và chúng có thể được tìm thấy không chỉ ở đầm lầy dừa nước Nypa fruticans mà còn ở hàng loạt loại địa bàn khác nữa. Theo ý kiến của tôi, một cộng đồng cá lai, dù trông giống hệt, không thể có phân bố rộng. Dẫu sao, phạm vi phân bố của chúng cần phải được xác định trước khi tôi có thể phát biểu điều gì xa hơn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể khẳng định rằng Đông Mahachai thuộc Bangkok là vùng mà loài B. splendens được tìm thấy ở khắp nơi. Xa hơn nữa là tỉnh Rachaburi, nơi tôi thu thập cá B. splendens vào năm ngoái. Chỉ một nơi duy nhất mà chúng ta có thể tìm thấy loài này là ở vùng duyên hải Tây Mahachai – tỉnh Samutsakorn – tỉnh Samutsongkran và Pethburi.
Việc xác định địa bàn phân bố của chúng là lý do xác đáng để tôi viếng thăm vùng này một lần nữa trong tương lai gần.
Tương lai của loài Betta sp. Mahachai
Tôi đã nói ở trên rằng vùng Mahachai chỉ cách 30 phút lái xe trên đường cao tốc tính từ trạm xe điện Bangkok. Vùng này đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Trên thực tế, hình ảnh trẻ em địa phương mặc áo thun Mc. Donald trên tay cầm chai nước suối đã đủ diễn tả tình hình. Các đầm lầy được san lấp và nhà máy mọc lên. Rồi nước thải từ nhà máy bị đổ ra các đầm lầy xung quanh. Các đầm lầy cũng được phát quang để làm đồng muối và đầm nuôi tôm mà chúng đang là ngành xuất khẩu mạnh nhất của quốc gia. Vùng này hiển nhiên đang phát triển cực nhanh và nếu không có hành động cụ thể để bảo vệ môi trường sinh sống của loài betta độc đáo này thì nơi duy nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy chúng là trong lọ!
Dân số loài này cũng chịu tác động trực tiếp từ việc săn bắt. Phương thức mà người địa phương bắt những con cá đực trưởng thành từ tổ của chúng, đôi khi phá bỏ cả trứng và cá bột, nếu còn tiếp diễn sẽ tạo ra rất nhiều áp lực đối với vấn đề sinh sản của loài này ngoài môi trường tự nhiên. Một số nhóm dân cư bị cô lập trong những ao nước nhỏ. Tôi cho rằng trong quá khứ, vùng châu thổ này từng chịu ảnh hưởng của lũ hàng năm. Tuy nhiên, với hành loạt đập nước được xây dựng ở thượng nguồn và hệ thống đường xá, lũ đã không còn ảnh hưởng nhiều như trước đây. Về lâu dài, việc trao đổi gen giữa các nhóm dân cư sẽ không diễn ra nữa, chúng sẽ trở nên yếu đuối và dễ chết.
Một vấn đề khác là nguy cơ lai tạp với dòng cá Betta splendens thuần dưỡng. Trong môi trường nuôi dưỡng, loài này được lai tạp khá thoải mái với Betta splendens và sinh ra cá lai. Bây giờ hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu có người trong vùng có quá nhiều cá hay chơi chán bèn thả ra địa bàn tự nhiên của loài Betta sp. Mahachai. Mặc dù điều kiện nước không phù hợp, một số con có thể sống sót và sự lai tạp sẽ xảy ra. Đấy là nguyên nhân mà chúng ta bị mất rất nhiều cộng đồng dân cư Betta splendens và Betta imbellis hoang dã. Điều hết sức quan trọng cần lưu ý đó là loài này có thể lai tạp một cách dễ dàng với loài Betta splendens. Điều chứng tỏ rằng, chúng là bà con họ hàng gần với các loài Betta splendens và Betta imbellis. Có những tranh cãi từ rất lâu về sự hợp thức của loài Betta imbellis. Một số người phản đối rằng chúng chẳng qua là một biến thể màu sắc của loài Betta splendensmà thôi, hay cùng lắm thì cũng chỉ là một phân loài. Betta sp. Mahachai có quan hệ gì với hai loài kể trên hay cảBetta imbellis lẫn Betta sp. Mahachai có thể là các phân loài của Betta splendens hay không? Tôi xin nhường câu trả lời cho các nhà khoa học.
Một nguy cơ nữa đối với loài này là sự xâm nhập của các loài ngoại lai. Theo chương trình diệt muỗi của chính phủ, người ta đã dại dột thả cá bảy màu (Poecilia reticulata) vào vùng này (dường như cá betta vẫn chưa đủ). Chúng thích nghi tốt với môi trường mới và sinh sôi tràn ngập các ao hồ ở vùng này. Đến nay, tôi lưu ý loài cá sócOryzias melastigma, loài cá đẻ trứng nội địa sống trong cùng địa bàn sinh thái với cá bảy màu đã hoàn toàn biến mất khỏi các ao hồ từ khi cá bảy màu xuất hiện. Cá killi và betta vẫn còn trụ được nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi cá bảy màu hoàn toàn chiếm lĩnh và đẩy các loài cá nội địa đến bờ vực tuyệt chủng.
———————————————————————————————
Dưới đây là bảng so sánh giữa 4 loài làm tổ bọt phân bố ở Thái Lan rút ra từ sự quan sát của riêng tôi. Tôi không phải là một nhà phân loại học vì vậy xin các bạn hãy làm quen với cách này.
Betta splendens (để so sánh).
Betta imbellis (để so sánh).
Betta smaragdina (để so sánh).