các loài Betta hoang dã ở Việt Nam
Ban đầu tôi có ý định xây dựng một danh sách về các loài Betta hoang dã ở Việt Nam với đầy đủ hình ảnh, đặc điểm và phân bố; những thông tin này rất cần thiết cho những người nuôi cá Betta hoang dã nhưng có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình sưu tầm tài liệu khiến tôi thay đổi ý định và viết bài này. Tôi nghĩ rằng những trở ngại mà tôi gặp phải vượt quá khả năng của một người sưu tầm cá cảnh bình thường, và để hoàn thành công việc trên, cần phải có sự đóng góp của đông đảo mọi người từ các nhà chuyên môn, các bạn sinh viên đến những nhà sưu tầm cá cảnh khác.
Theo tìm hiểu của tôi thì ở Việt Nam hiện có 5 loài Betta hoang dã được ghi nhận. Ba loài đầu gồm Betta splendens, Betta taeniata và Betta pugnax có tên trong www.fishbase.org. Nguồn tài liệu tham khảo về các loàiBetta splendens và Betta taeniata được lấy từ quyển Định Loại Cá Nước Ngọt Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (tác giả Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, Khoa Thuỷ Sản, Trường Đại Học Cần Thơ, 1993). Nguồn tài liệu tham khảo về loài Betta pugnax được lấy từ Fresh-water fishes of Kampuchea (tạp chí khoa học Hydrobiologia 121:249-279, tác giả Kottelat, M., 1985). Hai loài sau là Betta sp. “Bùng Binh” và Betta aff. imbellis được phát hiện vào năm 2000 bởi các nhà sưu tầm cá cảnh Herve Gonin và Jacques Laird. Hai tác giả trên xác định Bùng Binh là địa danh thuộc huyện Củ Chi nhưng thực ra đó là một ấp thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đi quá huyện Củ Chi một đoạn. Loài này được nhà khoa học Singapore Tan Heok Hui đánh giá sơ bộ rằng chúng trông tương tự với một loài đã biết ở Thái Lan và Campuchia là Betta prima nhưng vây hơi đỏ hơn. Loài sp. Bùng Binh có tên trên một trang web về Betta là www.ibc-smp.org. Các tác giả trên cũng ghi nhận sự hiện diện của loài tương tự với loài Betta imbellis ở cùng địa bàn nơi họ phát hiện loài sp. Bùng Binh, tạm đặt tên làBetta aff. imbellis.
Theo tôi thấy, các loài Betta splendens và Betta sp. Bùng Binh thường được bán làm thức ăn cho cá La Hán ở các tiệm cá cảnh trong thành phố. Lý do mà tôi xác định đó là loài sp. Bùng Binh bởi vì nó chỉ có thể lẫn lộn với loàiBetta pugnax nhưng loài sau có nắp mang và thân xanh hơn trong khi những cá thể sưu tầm ở Sài Gòn lại hầu như không có màu. Loài Betta aff. imbellis được anh Hai Lúa ghi nhận trong chuyến đi thăm An Giang vào năm 2005 và tôi cũng sưu tầm được vài con vào tháng trước ở Sóc Trăng. Hai loài Betta splendens và Betta aff. imbellis có tên thông thường là lia thia sáp (nắp mang đỏ) và lia thia mun (nắp mang xanh). Cả hai đều có vảy xanh lấp lánh nhưng ở loài sau có nhiều hơn.
Betta aff. imbellis do anh Hai Lúa chụp tại An Giang năm 2005.
Betta aff. imbellis do VNRD sư tầm tại Sóc Trăng tháng 8/2006.
Betta splendens do VNRD sưu tầm tại TPHCM năm 2006.
Betta sp. Bung Binh do VNRD sưu tầm tại TPHCM năm 2006.
Trở lại loài Betta pugnax, thông tin về sự hiện diện của loài này ở Việt Nam dựa trên tài liệu khảo sát về các loài cá nước ngọt ở …Campuchia! Hơn nữa phần tham khảo về địa phương nơi chúng được phát hiện lại bị bỏ trống. Có nhiều thông tin khác trên mạng về loài này ở Việt Nam nhưng chỉ là những dòng liệt kê ngắn ngủi, có lẽ họ cũng tham khảo từ fishbase. Như vậy, việc tham khảo tài liệu nêu trên là cần thiết để làm sáng tỏ những nghi vấn về sự hiện diện của chúng ở nước ta.
Loài Betta pugnax (nguồn www.ibc-smp.org)
Loài Betta taeniata được các tác giả Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương mô tả vào năm 1993. Địa điểm thu thập các mẫu vật ở ngay Cần Thơ. Tuy nhiên, có một đặc điểm nhận dạng đặc trưng của loài này không trùng khớp với một tài liệu quan trọng khác mà tôi có. Được biết, có hơn năm chục loài thuộc chi Betta và người ta chia chúng thành nhiều nhóm nhỏ. Loài Betta taeniata được xếp chung một nhóm với các loài B. picta, B. simplex vàB. falx làm thành nhóm picta. Đặc điểm đặc trưng của nhóm picta là các vây lẻ (vây đuôi, vây lưng và vây hậu môn) có viền màu xanh (theo Fighting Fishes of Singapore, Malaysia and Brunei, tác giả Tan Heok Hui và Peter Ng, 2005). Tuy nhiên, phần mô tả của các tác giả của chúng ta lại như sau “vi lưng và vi hậu môn màu nâu với các điểm đen”, còn màu của vây đuôi không được nhắc đến. Dưới đây là hình ảnh về loài Betta taeniata với các viền xanh đặc trưng trên các vây lẻ (xin nhắc lại là các mẫu vật được thu thập ở Cần Thơ).
Loài Betta taeniata (nguồn www.ibc-smp.org)
Ngoài các loài trên còn có loài Betta nào nữa vẫn chưa được phát hiện? Cụ Vương Hồng Sển trong bài “Thú chơi cá thia thia” có nhắc đến giống cá lia thia ở Rạch Giá rất khác biệt với lia thia thông thường, liệu đó có phải là loài mới không? Bạn Dthong (thành viên trên diễn đàn ctu.edu.vn) thắc mắc rằng ở ta có loài nào tương tự như loàiBetta sp.Mahachai sống trong các vùng nước lợ ở Thái Lan hay có còn loài Betta hoang dã nào chưa được phát hiện ở các khu rừng đang được bảo tồn hay không? Hy vọng là trong tương lai các nhà ngư loại học sẽ trả lời một cách thoả đáng những câu hỏi nêu trên và nhiều loài Betta mới sẽ được phát hiện. Còn hiện tại, việc sưu tầm và bảo tồn các loài Betta hoang dã nội địa là điều rất cần thiết vì chúng ngày càng ít xuất hiện trong tự nhiên bởi vì nhiều nguyên nhân mà chủ yếu xuất phát từ các hoạt động của con người.
Cuối cùng tôi xin cảm ơn các bạn Hai Lúa, Dthong và đặc biệt là thầy Xê, người đã hỗ trợ và động viên tôi rất nhiều trong việc đóng góp cho mục cá cảnh trên diễn đàn ctu.edu.vn. Tôi rất mong sự phản hồi từ tất cả các bạn về sự hiện diện của các loài Betta pugnax, Betta taeniata cũng như những loài khác mà chúng ta còn chưa biết ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài này và mong rằng các bạn bỏ chút thời gian xem qua các hình trên và cho tôi biết các bạn đã từng thấy chúng ở đâu, điều này rất quan trọng trong việc xác định vùng phân bố cũng như để hỗ trợ cho việc sưu tầm sau này.