Doubletail Betta Hiệu Ứng Đuôi Kép: Vấn Đề Và Giải Pháp
Ảnh: nlkhanh
Hiệu Ứng Đuôi Kép: Vấn Đề Và Giải Pháp
Đuôi kép là gì?
Đuôi kép (doubletail) là một đột biến “gương” vốn thể hiện sự sao chép ở đuôi, kèm với việc thay thế vây lưng bằng một bản sao của vây hậu môn. Nếu kẻ một đường thẳng từ đầu đến gốc đuôi, các vây ở hai bên đường thẳng sẽ xuất hiện như hình ảnh đối xứng của nhau (1). Kết quả, chúng ta có một con betta đuôi kép với hai thùy đuôi, và vây lưng dài như vây hậu môn.
Có nhiều thuyết về nguồn gốc của cá đuôi kép. Chẳng hạn, doubletail được lai tạo ở Ấn Độ (India) từ những năm 1960 (2). Một số người nói con doubletail đầu tiên xuất hiện từ phòng cá của Warren Young, trong khi số khác nói doubletail vốn xuất hiện một cách tự nhiên trong một chuyến hàng betta từ Đông Nam Á (3). Paul Kirtley tái tạo doubletail black vào những năm 80 và từ đó chúng luôn hiện diện (4). Doubletail có ảnh hưởng bao trùm và toàn diện lên thế giới betta cảnh hiện đại.
Đột biến “gương” hay đuôi kép là gien lặn (dt) so với đuôi đơn (DT). Có ba dạng kiểu hình gồm đuôi đơn (DTDT), đuôi kép đồng hợp (dtdt) và đuôi kép dị hợp (DTdt). Đuôi kép được coi như là di truyền Mendelian, nhưng có trường hợp không đúng (5). Chúng tôi ghi nhận một trường hợp, đột biến chỉ thể hiện ở đuôi, mà không hoàn tất ở vây lưng (xem hình).
Đi kèm đột biến “gương” là hiệu ứng đuôi kép (doubletail effect) với sự gia tăng về số lượng và phân nhánh tia vây. Điều này giúp cải thiện hình dạng và kích thước của bộ vây về khía cạnh hiện đại (dạng chữ D). Đó là lý do người ta cản đuôi kép vào các dòng đuôi đơn. Có thể nói, toàn bộ betta hiện đại được đặt nền tảng trên hiệu ứng đuôi kép.
Dòng đuôi đơn thuần (DTDT), một khi đã nhiễm máu đuôi kép từ tổ tiên, vẫn thể hiện ảnh hưởng của hiệu ứng đuôi kép qua sự phân nhánh ở các vây lẻ. Bằng cách nào đó, hiệu ứng phát triển rất mạnh mẽ và tồn tại bên ngoài gien đuôi kép.
Phát triển của hiệu ứng đuôi kép thể hiện qua “cây tia” bao gồm tia gốc (primary ray) cùng toàn bộ các nhánh của nó. Ở cá hoang dã và cá chọi thuần dưỡng, cây tia ở đuôi chỉ có phân nhánh sơ cấp (primary, 2^1 = 2 tia). Hiệu ứng khiến cây tia phát triển mạnh, phân nhánh nhiều hơn. Có nhiều cấp độ phân nhánh, chẳng hạn nhị cấp (secondary, 2^2 = 4 tia), tam cấp (tertiary, 2^3 = 8 tia), tứ cấp (quaternary, 2^4 =16 tia) và thậm chí, ngũ cấp (quinary, 2^5 = 32 tia).
A – Dạng vây cổ điển phẳng phiu và cạnh trơn láng ở cá hoang và cá chọi Xiêm. Các tia vây lưng và vây hậu môn không phân nhánh. Đuôi chỉ có phân nhánh sơ cấp (primary splitting, 2^1 = 2 tia). Hiện diện của tia sơ cấp (2^1) ở vây lưng và vây hậu môn, tia nhị cấp (2^2) ở đuôi là ảnh hưởng từ hiệu ứng đuôi kép, dấu hiệu của việc lai tạp với betta cảnh.
B – So sánh giữa các dạng vây lưng. (1) Plakat đuôi đơn (DTDT), (2) Đuôi kép đồng hợp (dtdt), (3) Đuôi kép dị hợp (DTdt). Đột biến đuôi kép khiến số lượng tia, phân nhánh và độ rộng vây lưng gia tăng. (4, 5, 6) Cá đuôi đơn thuần (DTDT), nhưng vẫn thể hiện hiệu ứng đuôi kép qua phân nhánh ở vây lưng. Trong trường hợp cá hoang (ở đây là Mahachai), phân nhánh vây lưng là dấu hiệu lai tạp.
C – Cá đuôi đơn không mang gien đuôi kép (DTDT), nhưng thể hiện hiệu ứng đuôi kép qua phân nhánh ở vây hậu môn. Vây hậu môn tỏ ra phản ứng kém dưới tác động của hiệu ứng đuôi kép. Betta hiện đại thường bị lỗi vây hậu môn ở nhiều cấp độ từ khập khiễng (nhẹ) cho đến nhăn nhúm (nặng).
D.E.F – Hiệu ứng đuôi kép ở đuôi. Các cấp độ phân nhánh tia đuôi: nhị cấp (secondary, 2^2 = 4 tia), tam cấp (2^3 = 8 tia) và tứ cấp (quaternary, 2^4 = 16 tia). Ở phân nhánh tứ cấp trở lên, bộ vây sẽ trở thành một đống tia bùng nhùng!
Ảnh: (A) Linh Le Tuan, Nguyễn Thành Thi (SSBC), (B1) Hung Le (HBC), (B6) Trần Gia Huy, (còn lại) nlkhanh
Vấn đề của betta hiện đại?
Trong khi cải thiện bộ vây theo hướng hiện đại, hiệu ứng đuôi kép đồng thời cũng gây ra đủ mọi lỗi tật vốn rất khó kiểm soát, nếu không muốn nói là bất khả. Biểu hiện như sau:
*Cây tia xòe tán sang hai bên khiến vây bị cong vênh (nonflat) hoặc gấp nếp (folded) ở điểm giao với cây tia kế cận. Hiện tượng này xảy ra ở mọi cấp độ phân nhánh, nhưng càng cao thì lỗi tật càng nhiều và nặng.
*Tia cũng mọc dài nhưng không đều khiến viền ngoài lởm chởm (jagged).
Hiệu ứng xuất hiện ở cả ba vây lẻ, và lan đến vây ngực trong trường hợp Dumbo hay Big Ears. Hiệu ứng làm mất đi tính đồng bộ trong sự phát triển tia vây, khiến cấu trúc tổng thể của vây bị phá vỡ. Nói cách khác, từng cây tia, thậm chí từng tia ngọn của nó đều phát triển một cách độc lập, mạnh mẽ và mất kiểm soát.
Đuôi hoa (rosetail) là biểu hiện của hiệu ứng đuôi kép ở cấp độ cao nhất của nó.
Kết quả là, ngày nay chúng ta hầu như chẳng còn thấy mấy con betta hiện đại với bộ vây phẳng phiu, trơn láng. Thực ra, bộ vây chỉ căng đét lúc cá còn non, khoảng 3 tháng tuổi, và bung bét rất nhanh sau đó. “TOANG”!
Ảnh: (Dumbo) Trần Gia Huy, (còn lại) Internet
Định hướng lai tạo?
Kinh nghiệm lai tạo của chúng tôi cho thấy, bạn càng tiến gần dạng đuôi D hiện đại với cạnh đuôi thẳng, dài và góc đuôi sắc thì tia vây phát triển càng mạnh và lỗi tật càng nhiều.
Chúng ta cần khống chế sự phân nhánh tia vây, cụ thể:
*Vây lưng và vây hậu môn: chỉ cho phép phân nhánh đến sơ cấp (2^1 = 2 tia).
*Đuôi: chỉ cho phép phân nhánh đến nhị cấp (2^2 = 4 tia) với Halfmoon Plakat và tam cấp (2^3 = 8 tia) với Halfmoon.
*Kết hợp với thanh lọc thật khắt khe. Loại bỏ ngay khi có con phát triển quá giới hạn trên. Hết sức chú ý đến vây hậu môn bởi đấy là nơi nhạy cảm nhất với sự phân nhánh.
Có nhà lai tạo chọn đi theo đường lối trung dung, không áp dụng tiêu chuẩn một cách khắt khe, mà cản theo cạnh đuôi thẳng nhưng ngắn, góc đuôi tù và góc xòe đuôi 180 độ. Thực ra ở Halfmoon Plakat, đuôi D sắc nét cũng chẳng tạo ra mấy khác biệt về khía cạnh thẩm mỹ, chừng nào mà bộ vây còn đầy đặn, cân đối và liền lạc.
Over Halfmoon “đuôi móc” cũng là một xu hướng cản “phá chuẩn” khác. Thay vì kiểm soát đứa con “tia vây” ngỗ nghịch, bạn lại chiều chuộng nó bằng cách cho thêm không gian tức “tăng góc xòe”. Cũng như cuộc đời, sự phá phách là không có điểm dừng mà sức chịu đựng thì có hạn. Rồi cũng “TOANG” nhanh thôi!
Đấy là khi bạn còn vương vấn, bằng không… vẫn còn những lựa chọn hấp dẫn khác… cố gắng cảm nhận cái đẹp bằng chính đôi mắt của mình… con tim sẽ mách bảo cho bạn. Hãy nỗ lực lên nhé!
Một con Halfmoon rất đẹp, nhưng một số tia vây chớm vượt quá giới hạn, cần hạn chế.
Ảnh: Trần Gia Huy
Tham khảo
(1) Các Kiểu Vây Lưng (Buss, 2003) – http://www.diendancacanh.com/threads/cac-kieu-vay-lung.656/
(2) Tổng quan lịch sử: Sự phát triển các dạng đuôi của Betta splendens (van Esch, 2004) – http://www.diendancacanh.com/thread…-trien-cac-dang-duoi-cua-betta-splendens.321/
(3) Đuôi Kép là gì? (Parnell, 2006) – http://www.diendancacanh.com/threads/duoi-kep-la-gi.290/
(4) Cá betta cầu vồng-sặc sỡ có lịch sử đầy màu sắc (Keiper, 1998) – http://www.diendancacanh.com/threads/ca-betta-cau-vong-sac-so-co-lich-su-day-mau-sac.538/
(5) Lai tạo cá đuôi kép – http://www.diendancacanh.com/threads/lai-tao-ca-duoi-kep.311/
nguồn diendancacanh