Khảo sát các loại cây giàu tannin và chất the | các loại cây dùng cho cá cảnh | cách loại cây dùng cho cá betta

Khảo sát các loại cây giàu tannin và chất the | các loại cây dùng cho cá cảnh | cách loại cây dùng cho cá betta

 

Hầu hết mọi người đều biết cá betta rất chuộng nước lá bàng. Trong đó, cá mạnh khỏe, sung mãn và ít bệnh. Những con đổ bệnh khi được ngâm trong nước lá bàng thì cũng chẳng đáng để nuôi nữa. Cây bàng thường được trồng để lấy bóng mát trong phố thị, nhờ đó lá bàng khá phổ biến và hầu như không tốn kém. Nhưng không phải chỗ nào cũng sẵn lá bàng. Thậm chí ở phương Tây, người chơi betta phải mua lá bàng khô vốn được nhập khẩu từ các nước vùng Đông Nam Á. Còn trong nước, dường như cũng có chỗ bán nước cốt lá bàng đóng chai, dành cho những bạn ít thời gian. Xin lưu ý rằng nguồn cung cấp tannin trong tự nhiên là rất lớn và đa dạng mà các bạn có thể tự tìm tòi và áp dụng vào hoàn cảnh của mình.

[IMG]
Lá bàng lượm về được rửa sạch, phơi thật khô để dùng dần.

Công dụng của lá bàng chủ yếu đến từ tannin và các chất the (astringent). Tannin là hóa chất khá thông dụng trong công nghiệp. Ngoài công dụng chính trong ngành thuộc da và nhuộm, tannin còn được dùng để lọc rượu và beer, thành phần làm giảm độ nhớt (viscosity) của bùn cho giếng khoan, và bỏ vào nước sôi để ngừa lắng cặn (scale formation). Nhờ đặc tính the và cầm máu, tannin được dùng để điều trị viêm amidan, viêm họng, trĩ và ban; nó cũng được chỉ định để kiểm tra tiêu chảy và xuất huyết ruột, và làm thuốc giải cho các nhiễm độc kim loại, alkaloidal và glycosidic, nhờ hình thành kết tủa (precipitates). (https://www.britannica.com/science/tannin)

Có rất nhiều nghiên cứu về tannin trên hầu hết các loài thực vật nhằm tìm nguồn khai thác hiệu quả. Ở đây, chúng tôi sẽ thống kê một số loại thực vật giàu tannin vốn sẵn có hay được trồng ở môi trường nội địa (không kể cây ôn đới hay chưa có trong nước). Tannin có thể tích tụ trong lá, hoa, vỏ, cành, thân và rễ nhưng dưới góc độ nghiệp dư, chúng tôi khuyên các bạn chỉ thử nghiệm với cành, lá, quả khô (rụng) để khỏi làm ảnh hưởng đến môi trường.

*Liễu (willows, Salix sp.) thường được trồng ở bờ hồ; muối (sumac, ngũ bội tử, Rhus sp.); keo (wattle, Acacia sp.) mà hai cây thường được trồng khắp nơi để lấy nguyên liệu giấy và bóng mát là keo tai tượng Acacia mangium và keo lá tràm Acacia auriculiformis (còn được gọi sai là “tràm bông vàng” hay tệ hơn “tràm”); bạch đàn (khuynh diệp, Eucalyptus sp.); đước (red mangro, Rhizophora sp.). (https://www.fs.fed.us/wildflowers/ethnobotany/tannins.shtml)

*Phi lao (cây dương, Casuarina); cáng lò (Betula); dẻ cau (Lithocarpus);  (avocado, Persea); mận (mơ, đào, Prunus); muồng hoàng yến (bò cạp nước, hoàng hậu, osaka, Cassia), sử dụng trái hay vỏ khô; su ổi (xương cá, Xylocarpus); cui (Heritiera); sao (Hopea); bần (Sonneratia) mọc nhiều ở kênh rạch thành phố; vẹt (Bruguiera); xăng mã (Carallia);  (Ceriops); mắm (Avicennia). Đa số là cây rừng ngập mặn. (Hardwood Tannin: Sources, Utilizations, and Prospects)

*Những cây giàu tannin và chất the khác mà chúng tôi sưu tầm từ nhiều nguồn gồm trà xanh (Camellia), vốiroi (mận)trâmsắn thuyền và các loài cùng chi (Syzygium), thông (Pinus) ở vỏ, me nước (Pithecellobium dulce), điều (Anacardium occidentale), nho biển (sea grape, Coccoloba uvifera), ổi (guava, Psidium guajava), vú sữa (Chrysophyllum cainito), trái me rừng (mắc kham, Phyllanthus emblica), bằng lăng nước (Lagerstroemia speciosa), gòn (bông gạo, Ceiba perntandra), lựu (pomegranate, Punica granatum), keo dậu (táo nhơn, Leucaena leucocephala), mít (jack fruit, Artocarpus heterophyllus), vỏ măng cụt (Garcinia mangostana), chó đẻ thân xanh (diệp hạ châu đắng, Phyllanthus niruri), xem cách phân biệt ở đây.

*Precha (http://plakatthai.com) giới thiệu một số loại cây ngâm cá như sau: lá chuối khô; lá bàng khô (Terminalia catappa); nuốt lá cò ke (Casearia grewiifolia), cây rừng ở An Giang, Lâm Đồng; vỏ dừa, lá dừa khô (Cocos nucifera); giá tỵ (tếch, teak, Tectona grandis) sử dụng lá khô; lá chiêu liêu khô (chiêu liêu hồng, kha tử, xàng, tiếu, Terminalia chebula); keo cao khô (keo cau, Senegalia catechu, tên cũ Acacia catechu), cây ngoại nhập trồng tại Sở Thú Sài Gòn, sử dụng vỏ khô, người Thái có bán trên mạng.

*Một số loại đặc biệt gồm bông thốt nốt (Borassus flabellifer) tuy không giàu tannin nhưng có thể chứa nhiều dược chất tốt mà một số người Thái dùng và bán, có lẽ được tận dụng sau khi khai thác mật hoa; tràm (Melaleuca) tuy giàu tannin nhưng công dụng chủ yếu là tinh dầu, thành phần chính trong thuốc kháng khuẩn Melafix (API), các loài ngoại nhập gồm tràm trà (tea tree) Melaleuca alternifolia và tràm năm gân Melaleuca quinquenervia, cây nội địa là tràm ta Melaleuca cajuputibạch đàn (khuynh diệp, Eucalyptus) công dụng cũng như tràm; chiết suất lá sim (Rhodomyrtus tomentosa) có khả năng kháng khuẩn dẫu hàm lượng tannin tập trung nhiều ở trái; tống quá sủ (alder, Alnus) mà trái của nó (alder cones, erlenzapfen) được dùng để hạ pH và cả đống công dụng “thần kỳ” cho các hồ cao cấp như tép cảnh và ông tiên altum.

*Đâu là nhà vô địch về hàm lượng tannin? Chúng tôi xin liệt kê một số loài nội địa hay ngoại nhập. Top 40 theo thứ tự như sau, 1) cây keo ta (keo thơm, mâm côi, Acacia farnesiana) ở quả của nó; 3) tầm xuân (hồng leo, Rosa canin) ở lá; 5) hồng pháp (french rose, Rosa gallica) ở hoa; 7) chút chít (Rumex acetosa) ở rễ và quả; 14) bạch đàn xanh (Eucalyptus globulus) ở lá; 16) cây móng tay (Lawsonia inermis) ở lá; 25) ca cao (Theobroma cacao) ở hạt; 27) thuốc lá (Nicotiana tabacum) ở lá; 30) chiêu liêu (Terminalia chebula) ở trái; 31) chà là (Phoenix dactylifera) ở cây; 34) quách (Limonia acidissima) ở vỏ, cây này người Khmer thích trồng trong xóm; 38) ổi (Psidium guajava) ở hạt; 39) xô thơm (Salvia officinalis) ở lá; 40) đu đủ (Carica papaya) ở lá. (https://www.naturalmedicinefacts.info/chemical/22939.html)

*Lưu ý, lá sa kê không giàu tannin như một số bạn thắc mắc, trông hấp dẫn nhưng không mấy tác dụng. Lá cà phê và nho nghèo tannin, nồng độ tập trung ở trái và hạt.

*Vị chát là dấu hiệu cho thấy lá cây giàu tannin và chất the như trà và vối; tương tự nước sắc lá ổi và điều là bài thuốc Nam, từ lâu được dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Lá bằng lăng cũng được dùng với mục đích tương tự ở Philippines.

Cây bàng được trồng ở khắp nơi tại Sài Gòn để lấy bóng mát, quanh chỗ tôi ở có mấy cây, thậm chí có cả hàng cây bàng ở công viên mé sông, người ta còn mong mình lượm sạch để đỡ phải quét, điều kiện quá thuận lợi nên bấy lâu cũng chẳng quan tâm thứ khác làm gì. Nhưng lá bàng không phải là tuyệt đối hoàn hảo, mỗi lần cá bị nấm tôi đều vứt vài lá vô chậu, có lần quá tay làm nước đen thui khiến bèo tai chuột không lớn nổi hoặc lụi sạch. Những lần sau phải chú ý cho có chừng mực, nước vừa ngả màu trà là đủ. Về lâu dài, cần kiếm ra loại lá nào mà tinh dầu có tác dụng sát khuẩn nhưng không làm sụt pH mạnh như lá bàng. Tôi đã thử dùng lá bạch đàn (lấy từ bó lá xông) và tác dụng cũng khả quan, nhưng cần thử nghiệm nhiều hơn trước khi kết luận. Dạo này cá ít bệnh quá, dường như những con yếu ớt đã ra đi từ sớm…

[IMG]
Thử nghiệm dùng lá bạch đàn (khuynh diệp) thay lá bàng cho kết quả khả quan.

Nhiều bạn không kiếm ra lá bàng, chủ đề này được lặp đi lặp lại khá nhiều. Tôi thử tìm xem có thể dùng cây gì để thay thế thì hỡi ôi, nhiều quá chừng. Ngay đầu ngõ người ta trồng hàng muồng hoàng yến, quả rụng đầy gốc. Bằng lăng được trồng ở nhiều con phố kế cận, lá và quả khô rụng đầy. Keo tai tượng và keo lá tràm mọc tự phát ở hai đầu cầu (vừa bị chặt). Cây dương (phi lao) mọc gần đó lá kim rụng đầy gốc (cỏ không mọc được). Dọc kênh rạch quá trời bần, dường như có một đội quân chuyên thu hái trái bần để bán (vì chỉ thấy quả non). Sài Gòn quả là thiên đường của cá betta! Nếu bạn ở miền Đông Nam Bộ, cây giá tỵ và điều được trồng ở mọi nơi. Keo và bạch đàn cũng rất phổ biến. Vùng cao nguyên thì bao la vườn trà (hái trái chắc chủ vườn không phiền lòng) và bơ. Miền Tây chả khó kiếm vú sữa, ổi, dừa, chuối, một số nơi trồng cả bạch đàn, những vùng phèn nặng trồng tràm. Các vùng duyên hải và ngập mặn thì dường như cây quái nào cũng giàu tannin miễn là chưa bị tàn phá hết. Tóm lại là có cả đống cây để các bạn có thể tìm ở địa phương chứ không nhất thiết là lá bàng. Thậm chí ở vùng cực bắc còn có tống quá sủ (alder, Alnus) mà trên mạng rao bán vài ngàn mỗi trái (alder cones, erlenzapfen), có lẽ nhờ ngoại hình xinh đẹp phù hợp với hồ cảnh cao cấp, hy vọng mặt hàng này được khai thác trong nước, tránh “thất thoát ngoại tệ”.

Hình ảnh mấy thanh niên cặm cụi nhặt lá vàng rơi thường gây xúc động mạnh cho công chúng. Nếu may mắn gặp người tốt bụng, có khi bạn còn được nắm tay dắt về nhà. Bạn cũng có thể học thuộc vài câu thơ của thi sĩ nào đó, mang theo cây bút và đề thơ lên mặt lá. Thứ này bạn gái rất thích mà lại tiết kiệm nữa (… nhớ mang theo lọ dầu). Hãy nỗ lực lên nhé!

 

nguồn Diendancacanh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.