Chương 5: Tiêu chuẩn chung
Dành cho cá Halfmoon và đuôi kép (cập nhật ngày 18/02/2005)
5.1 CÁ BETTA CẢNH LÝ TƯỞNG
Cá betta cảnh lý tưởng phải có sức khoẻ hoàn hảo thể hiện qua việc không có dấu hiệu bệnh lý và bơi lội nhanh nhẹn. Thân và vây không có khuyết tật. Thân không có sẹo, đốm hay mất/méo vảy. Tia vây phải thẳng hay cong đều. Vây phải trương thẳng và mang phải phùng hết cỡ. Chuyển động liên tục và phản ứng dữ dội đối với bất kỳ cá khác. Cá betta cảnh lý tưởng phải gần như đối xứng giữa phần trên và phần dưới qua đường giữa. Cá betta như vậy có tỷ lệ cân xứng giữa thân và vây. Thân thuôn dần về phía gốc đuôi. Vây lưng gần giống với vây hậu môn về kích thước, hình dạng và độ rộng. Đuôi phải xòe đủ 180 độ. Viền ngoài các vây lưng, đuôi và vây hậu môn phải tạo thành một vòng tròn mà không có ngắt quãng giữa các vây. Vây phải rộng và hơi xếp chồng ở mép. Tia vây phân nhánh nhị cấp và tam cấp; số lượng tia vây phải chẵn.
Cá betta cảnh lý tưởng phải có màu tươi tắn và phân bố đồng nhất. Ở các lớp đơn sắc, vây không được lem và không được có các đốm hay chấm màu lạ trên thân. Các thể loại hoa văn phải có màu đậm và nhạt để tạo ra độ tương phản cao nhất. Màu sắc của cá betta nói chung phải bắt mắt và tươi tắn.
5.2 TIÊU CHUẨN CHUNG
Đây là những tiêu chuẩn chung áp dụng cho mọi thể loại cá betta. Tiêu chuẩn chung là các hướng dẫn đánh giá dựa trên thể trạng và các đặc điểm bên ngoài của cá betta.
Lãnh vực đánh giá
Lãnh vực đánh giá của tiêu chuẩn chung bao gồm kích thước, thể trạng, trình diễn và vây.
Tiêu chuẩn
Mỗi lãnh vực đánh giá đều có những thành phần đánh giá gọi là tiêu chuẩn.
ĐẶC ĐIỂM CHUNG
1) KÍCH THƯỚC 2) THỂ TRẠNG 3) TRÌNH DIỄN
a) Kích thước
1) Thân
2) Vây
3) Tổng thể
b) Mức độ đối xứng
c) Tỷ lệ
d) Hình dạng
1) Thân
2) Vây
3) Tổng thể
ĐẶC ĐIỂM VÂY
(Kích thước; Mức độ đối xứng; Tỷ lệ; Hình dạng)
Vây lưng, đuôi, vây hậu môn, vây bụng và vây ngực.
Để tham khảo, cần cung cấp một hình ảnh về giải phẫu chung của cá betta bởi vì những tiêu chuẩn ở đây sử dụng những thuật ngữ về các bộ phận của cá betta mà người đánh giá cần nắm rõ.
5.3 KÍCH THƯỚC (DIMENSION)
KÍCH THƯỚC THÂN
Cá đực phải dài tối thiểu 3.8 cm. Cá cái phải dài tối thiểu 3.2 cm. Cá Betta splendens không đạt kích thước này sẽ bị loại (đối với các loài cá betta hoang dã, xin xem tiêu chuẩn về cá hoang dã và plakat). Kích thước là yếu tố sau cùng được xét đến khi đánh giá cá đẹp nhất trong mỗi lớp. Nếu tất cả các yếu tố đều như nhau (cùng số điểm lỗi bị trừ đi) thì cá lớn hơn sẽ chiến thắng.
KÍCH THƯỚC VÂY
Kích thước vây dưới đây được áp dụng cho các lớp Betta splendens đực. Mặc dù các mô tả dựa trên chiều dài vây, người đánh giá và quan sát cá nên nhớ rằng trọng tâm của việc đánh giá vây phải dựa trên độ rộng và kích thước của chúng.
Vây lưng
Phải đạt tối thiểu 1/2 chiều dài thân, đo từ điểm gốc đến chóp của tia vây trung tâm
Đuôi
Phải dài tối thiểu 1/2 chiều dài thân, đo từ gốc đuôi đến điểm giữa của viền đuôi – KHÔNG phải là chóp của tia vây dài nhất.
Vây hậu môn
Phải dài tối thiểu 1/2 chiều dài thân, đo từ điểm gốc đến chóp của tia vây trung tâm
Vây bụng
Phải gần bằng chiều dài của vây hậu môn.
Vây ngực
Vây ngực rất khó đánh giá, bởi vì chúng hầu như trong suốt. Tuy nhiên, nhìn chung vây ngực to được ưu tiên hơn.
5.4 MỨC ĐỘ ĐỐI XỨNG
Cá betta lý tưởng phải có tỷ lệ cân bằng giữa thân và vây với hình dạng liền lạc. Thân phải gần như đối xứng giữa phần trên và dưới thông qua đường giữa, ngoại trừ vùng phía trước vây hậu môn nơi chứa các cơ quan nội tạng. Hình tổng thể của ba vây lẻ phải càng gần với vòng tròn càng tốt với viền ngoài liền lạc và không đứt đoạn. Ở cá đuôi kép, người đánh giá mong muốn, về nguyên tắc, mức độ đối xứng cao hơn so với cá betta đuôi đơn. Các vây lẻ nên đối xứng qua đường giữa. Cần có yêu cầu này bởi vì cá đuôi kép có vây lưng lớn hơn với độ rộng, kích thước và hình dạng tương đương với vây hậu môn.
5.5 TỶ LỆ
Điều quan trọng là vây và thân phải tỷ lệ với nhau. Nếu các vây lớn thì thân cũng phải lớn. Một vây lẻ quá to (hoặc nhỏ) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ đối xứng và vẻ đẹp tổng thể của cá.
5.6 HÌNH DẠNG:
Thân phải tròn trịa và hơi to ở phần bụng. Đầu thuôn dần về phía đuôi với gốc đuôi mỏng hơn. Tỷ lệ độ dày đầu và gốc đuôi từ 3 đến 4 lần. Hình dạng tổng thể của cá betta rất quan trọng. Thân và bề ngoài của nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình dạng tổng thể của cá betta. Thân hình phải hài hòa với bộ vây và không được lấn át nó.
Ví dụ: cá thân mập mạp với vây bé xíu là lỗi nghiêm trọng. Nhưng cá betta đuôi kép có thể có thân ngắn hơn – tính từ đầu đến đuôi – so với cá betta đuôi đơn. Thân dày hơn được chấp nhận chừng nào mà chúng góp phần vào việc nâng đỡ bộ vây lớn hơn ở cá đuôi kép (không áp dụng cho các biến thể, cá plakat và cá hoang dã).
VÂY
Vây lưng
Cá đuôi đơn
Hàng loạt hình dạng được chấp nhận – bán nguyệt, góc tư, chữ nhật – chừng nào mà độ rộng và kích thước còn chấp nhận được. Hình tam giác là không đạt. Tương tự như các vây khác, độ rộng và kích thước rất quan trọng, vây càng lớn càng tốt. Một cách lý tưởng, vây lưng nên xếp chồng lên đuôi một cách hài hòa nhưng không được dính liền với nó. Tia vây đầu tiên (gần đầu) phải có chiều dài tương đương với các tia khác và không được “cũn cỡn”.
Cá đuôi kép
Gốc vây lưng cá đuôi kép tương đối lớn hơn so với cá đuôi đơn. Một cách lý tưởng, vây lưng cá đuôi kép phải là hình phản chiếu của vây hậu môn để duy trì tính đối xứng.
Đuôi
Ở cá betta đuôi đơn, hình dạng lý tưởng là hình bán nguyệt xòe đủ 180 độ. Dựa trên sự tuyển chọn của các nhà lai tạo, phân nhánh tia vây, điều kiện chăm sóc, tình trạng và mức độ xòe của vây, đây là đặc điểm rất khó lai tạo và duy trì. Bởi vậy, một số lớp triển lãm đôi khi không hề có cá thể đuôi đạt chuẩn. Ở những lớp như vậy, nếu mọi thứ đều ngang nhau, cá thể đối xứng nhất với đuôi xòe to nhất và cá thể có ít lỗi nhất sẽ có nhiều cơ hôi đoạt giải nhất. Đuôi xòe trên 180 độ không hề được ưu tiên hay đánh giá thấp hơn so với đuôi xòe đúng 180 độ.
Mọi thể loại, kể cả cá đuôi kép, phải có tia vây phân bố đều giữa phần trên và phần dưới. Kích thước phải tỷ lệ với độ dài. Lưu ý: với cá đuôi kép – kích thước và phân bố của phần trên và dưới phải tương đương nhau. Hai thùy đuôi có thể xếp chồng nhưng phải phân tách đến tận gốc đuôi. Hình dạng lý tưởng của các thùy đuôi là hình bán nguyệt.
Vây hậu môn
Nên sắc cạnh. Hình dạng lý tưởng là hình thang cân với cạnh ngắn ở gốc vây, phần nối với thân. Nói cách khác, phần viền vây nên lớn hơn phần gốc vây. Cạnh phía trước và phía sau không nên hội tụ vào một điểm tạo thành hình tam giác. Vây nên xòe rộng. Một cách lý tưởng, vây hậu môn hơi xếp chồng lên nhưng không được dính với đuôi. Vây hậu môn hình tam giác là một dạng lỗi vì quá dài (từ 1.5 đến 2 lần chiều rộng). Vây hậu môn không nên dài quá điểm thấp nhất của đuôi.
Vây bụng
Hình dạng giống như lưỡi kiếm với phần lưỡi hướng về phía sau. Cạnh phía trước phải hơi lồi. Chóp nhọn. Các vây phải đều và không được bắt chéo. Chúng phải hoàn toàn tương xứng với nhau. Vây bụng không được quá dài, quá ngắn hay mảnh mai. Vây nên xòe rộng. Vây bụng ở cá cái thường ngắn so với thân.
Vây ngực
Vây ngực là phần quan trọng nhất để bơi lội, duy trì sự cân bằng của cá trong nước và chuyển động khi cá xung. Vây ngực nên to và rộng.
HÌNH DẠNG TỔNG THỂ
Hình dạng tổng thể của cá Betta splendens đực (đuôi đơn hay đuôi kép) phải là một vòng tròn mà không có kẽ hở giữa các vây lẻ.
Đuôi kép
Betta đuôi kép khác với cá đuôi đơn ở nhiều đặc điểm:
1- Có hai thùy đuôi thay vì một, và phân tách hoàn toàn đến tận gốc đuôi.
2- Có gốc đuôi lớn, để nâng các thùy đuôi.
3- Có vây lưng lớn hơn, gần bằng kích thước của vây hậu môn
4- Thân thường “cũn cỡn” và hơi ngắn.
5- Gốc đuôi thường bị cong ở nhiều góc độ. Điều này được nhận biết một cách rõ ràng khi quan sát từ bên trên. Nếu cong quá nhiều thì bị coi là lỗi, nếu chỉ hơi cong thì không bị trừ điểm.
Cá cái
Tất cả các thể loại cá cái phải có cùng hình dạng như cá trống cùng loại, nhưng vây ngắn hơn và thân mập hơn. IBC khuyến khích việc duy trì những dạng cá cái và cá trống riêng biệt. Cá betta cái khác với cá đực ở nhiều điểm và luôn phải có bề ngoài “nữ tính”.
1- Cá cái nhìn chung thường nhỏ con hơn. Vùng bụng của chúng thường căng tròn hơn so với cá đực.
2- Cá cái thường không có bộ vây to như cá đực.
3- Cá cái thường có đốm trứng màu trắng ở bụng. Bộ vây cá cái nên to nhưng không to như cá đực.
4- Cá cái thường ít có biểu hiện hung dữ.
5.7 THỂ TRẠNG (CONDITION)
THỂ TRẠNG CHUNG
“THỂ TRẠNG” là điều kiện thể chất của cá betta và mức độ “xây xước” của thân/vây mà chúng góp phần vào hình dạng tổng thể của cá.
Cá phải có bề ngoài đầy đặn với các vây và vảy trên thân lành lặn. Tuổi tác có thể khiến cá xuống cấp chẳng hạn như thân quá sồ sề hay tia vây bị cong.
Thân
Điều mấu chốt là hình dạng phải hoàn hảo. BẤT KỲ khiếm khuyết thể chất nào như thiếu vảy hay bất kỳ loại dị dạng nào khác đều bị coi là lỗi.
Vây
Có hai loại vây chẵn – vây bụng và vây ngực – và ba loại vây lẻ – vây lưng, đuôi và vây hậu môn – với những tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các loại vây. Tia vây nên thẳng hay hơi cong cho đến khi phân nhánh và phát triển song song hay xòe ra một cách liền lạc khi chúng đi xa khỏi gốc. Các tia vây có thể nhô ra khỏi màng vây – gọi là tia nhú hay chồi. Một khi cá có tia vây nhú, thì tất cả các vây đều phải có tia nhú và chúng phải đều nhau. Màng vây phải rộng, mạnh mẽ và lành lặn. Viền vây phải trơn tru và liền lạc trừ phi có tia vây nhú. Các vây đều phải có khả năng xòe hết cỡ với các tia vây và màng vây đều và căng. Các lỗ mọt hay cạnh không đều cho thấy vây từng bị rách và hư hại trước đó và việc “bung vây” phô bày thể trạng của cá, thể hiện chế độ chăm sóc hay tình trạng căng thẳng. Có nhiều mức độ lỗi từ nhẹ cho đến bị loại.
Tia vây nhú/vây lược không nên bị coi là thể trạng không tốt. Cá đuôi tua (fringe) còn được gọi là đuôi lược (combtail). Dạng tia vây nhú thật mạnh với màng vây ít hơn nhiều so với bình thường gọi là đuôi tưa (crowntail) và có tiêu chuẩn riêng.
5.8 TRÌNH DIỄN (DEPORTMENT)
Khả năng trình diễn tốt, thường khi giương vây, là một đặc điểm quan trọng ở cá Betta splendens bởi vì không chỉ thể hiện tình trạng sức khỏe, nó còn cho phép những đặc điểm khác như màu sắc được phô diễn một cách tối đa. Mặc dù chỉ là một đặc điểm nhỏ, việc trình diễn kém cỏi sẽ đem lại kết quả tiêu cực so với những đối thủ dự thi khác. Trình diễn kém cỏi sẽ tạo ra ấn tượng “cá không mạnh khỏe” hay hoảng sợ. Hiển nhiên, cá phải được đánh giá một cách toàn diện về mặt trình diễn. Mỗi phần cơ thể như tia vây/thân đều đóng một vai trò trong đó.
Lưu ý: cá betta hoang dã được đánh giá điểm trình diễn theo cách khác – xem mô tả. Những loài khác với Betta splendens, đặc biệt là cá ấp miệng, thường rất nhút nhát khi lên lọ và hiếm khi giương vây. Tuy nhiên, tất cả cá bất kể loài nào phải có bề ngoài lanh lợi với các vây trương thẳng.
5.9 LỖI CHUNG
LỖI BỊ LOẠI – ÁP DỤNG CHO MỌI LỚP
1. Không đạt kích thước thân (cá đực dưới 3.8 cm, cá cái dưới 3.2 cm).
2. Bơi lội khó khăn (vì bộ vây quá to hay có tật ở bóng bơi).
3. Sai lớp triển lãm (cá đăng ký sai lớp).
A. Thể loại non-splendens (không phải cá thuần dưỡng) không thể định danh.
B. Màu sắc và dạng vây không thể định danh.
C. Sai giới tính.
D. Sai loài trong lớp đăng ký.
E. Cá lai trong lớp non-splendens (không phải cá thuần dưỡng).
4. Cá đực có “đốm-trứng”, hay cá cái không có “đốm-trứng”.
5. Cá cái vây quá to (như cá đực).
6. Dị dạng (đặc biệt ở cá đuôi kép).
7. Thiếu một phần thân thể, chẳng hạn như mắt, nắp mang hay vây.
8. Có biểu hiện bệnh tật.
9. Mù (đặc biệt ở cá opaque và bạch tạng).
10. Bụng trướng (phình to).
11. Nhút nhát hay hoảng sợ – nằm sát dưới đáy.
LỖI Ở ĐẦU – ÁP DỤNG CHO MỌI LỚP
1. Miệng hơi biến dạng (lỗi nhẹ).
2. Bướu, lõm hay những biến dạng nhỏ khác (lỗi nhẹ).
3. Bướu, lõm hay những biến dạng lớn khác (lỗi nặng).
4. Đầu vênh (thường hướng lên) so với thân (lỗi nghiêm trọng).
LỖI Ở THÂN – ÁP DỤNG CHO MỌI LỚP
1. Thân cũn cỡn hay hơi mập (lỗi rất nhẹ).
2. Thân cá đuôi kép quá ngắn hay cũn cỡn (lỗi rất nhẹ).
3. Thân hơi nhỏ so với vây (lỗi nhẹ).
4. Thân không hoàn hảo – hơi khác thường (lỗi nhẹ).
5. Thân “mập” hay “mảnh mai” (lỗi nặng).
6. Nắp mang không khép kín (lỗi nặng).
7. Lưng hơi võng hay gù (lỗi nặng).
8. Gốc đuôi cá đuôi kép bị lồi hay cong một cách đáng kể (lỗi nặng).
9. Lưng quá võng hay gù (lỗi nghiêm trọng).
LỖI Ở VÂY – ÁP DỤNG CHO MỌI LỚP
Tổng thể – mọi loại vây
1. Tất cả các tia trên vây nhô ra, nhưng một số không đều (lỗi nhẹ).
2. Một tia vây bị cong (lỗi nhẹ).
3. Tia chỉ nhô ra trên một số vây (lỗi nhẹ).
4. Viền ngoài các vây lẻ tạo thành hình oval thay vì hình tròn (lỗi nhẹ) – KHÔNG áp dụng cho plakat và cá cái.
5. Kẽ hở giữa các vây lẻ – không xếp chồng lên nhau (lỗi nặng).
6. Vây quá nhỏ so với thân (lỗi nặng).
7. Các tia vây bị cong – nhiều hơn một tia (lỗi nặng).
8. Vây không đều – chỗ rộng, chỗ hẹp (lỗi nặng).
9. Viền ngoài các vây lẻ tạo thành hình bất đối xứng, chẳng hạn như có góc cạnh hay bất thường (lỗi nặng).
Vây bụng
1. Vây bụng bắt chéo (lỗi rất nhẹ).
2. Vây bụng mảnh mai (lỗi rất nhẹ).
3. Vây bụng quá dài – trừ cá plakat (lỗi rất nhẹ).
4. Vây bụng hơi ngắn (lỗi nhẹ).
5. Vây bụng cong (lỗi nhẹ).
6. Vây bụng cũn cỡn (lỗi nhẹ).
Vây lưng
1. Có một vài tia vây ngắn phía trước vây lưng, không tương xứng với vây hậu môn (lỗi rất nhẹ).
2. Vây lưng nhỏ so với vây hậu môn và đuôi (lỗi nhẹ).
3. Cá đuôi đơn có vây lưng hơi dẹp (lỗi nhẹ).
4. Cá đuôi kép có vây lưng hơi hẹp hơn so với vây hậu môn (lỗi nhẹ).
5. Vây lưng cá đuôi kép có một số tia ngắn phía trước, không tương xứng với vây hậu môn (lỗi nhẹ).
6. Cá đuôi đơn có vây lưng quá dẹp (lỗi nặng).
7. Cá đuôi kép có vây lưng quá hẹp so với vây hậu môn (lỗi nặng).
8. Vây lưng quá nhỏ so với vây hậu môn và đuôi (lỗi nặng).
Vây hậu môn
1. Vây hậu môn kéo dài xuống cạnh dưới của đuôi (lỗi nhẹ)
2. Các tia vây phía trước cong vẹo (lỗi nhẹ).
3. Phía trước và sau của vây hậu môn quá tròn trông giống như một “góc tư” vòng tròn (lỗi nặng).
4. Các tia vây phía trước cong vẹo nghiêm trọng (lỗi nặng).
5. Hình tam giác (lỗi nghiêm trọng).
Đuôi
1. Cạnh đuôi thẳng nhưng hơi tròn ở góc (lỗi rất nhẹ).
2. Các thùy đuôi kép đầy đặn nhưng không phân tách hoàn toàn – chỉ phân tách hơn 3/4 (lỗi rất nhẹ).
3. Đuôi không cân xứng – hơi cụp xuống (lỗi nhẹ).
4. Các thùy đuôi kép hơi không đều (lỗi nhẹ).
5. Tia vây đuôi đầu tiên ngắn (lỗi nhẹ).
6. Đuôi hơi nhỏ – không cân xứng với vây lưng và vây hậu môn (lỗi nhẹ).
7. Cạnh đuôi không thẳng, hơi lài về phía sau (lỗi nhẹ).
8. Tia đuôi không phân nhánh đến nhị cấp (4 nhánh) ở cá cái, hay tam cấp (8 nhánh) ở cá đực (lỗi nhẹ).
9. Đuôi xòe > 165 độ nhưng < 180 độ (lỗi nhẹ).
10. Các thùy đuôi kép phân tách từ 1/2 đến 3/4 (lỗi nhẹ).
11. Đuôi bất đối xứng – cụp xuống khỏi đường giữa trên 75% (lỗi nặng).
12. Đuôi rất nhỏ – không cân xứng với vây lưng và vây hậu môn (lỗi nặng).
13. Các thùy đuôi kép không đều về kích thước và hình dạng (lỗi nặng).
14. Các thùy đuôi kép đều, nhưng nhỏ (lỗi nặng).
15. Tia đuôi không phân nhánh đến sơ cấp (4 nhánh) ở cá cái, hay nhị cấp (4 nhánh) ở cá đực (lỗi nặng).
16. Các thùy đuôi kép phân tách dưới 1/2 (lỗi nặng).
17. Đuôi xòe > 150 độ nhưng < 165 độ (lỗi nặng).
18. Các thùy đuôi kép không đều và nhỏ (lỗi nghiêm trọng).
19. Đuôi không cân xứng (lỗi nghiêm trọng).
20. Đuôi xòe < 150 độ (lỗi nghiêm trọng).
LỖI THỂ TRẠNG – ÁP DỤNG CHO MỌI LỚP
1. Một lỗi nhỏ trên bất kỳ vây nào – lỗ mọt hay tia vây bị cong (lỗi rất nhẹ).
2. Một số vảy không đều (lỗi nhẹ).
3. Một lỗi vừa trên bất kỳ vây nào (lỗi nhẹ).
4. Mép vây hơi bị tưa (lỗi nhẹ).
5. Thân có sẹo hay mất vảy (lỗi nặng).
6. Nhiều lỗi nhỏ hay một lỗi nặng (lỗi nặng).
7. Nhiều lỗi vừa (lỗi nặng).
8. Tia vây bị gãy (lỗi nghiêm trọng).
LỖI TRÌNH DIỄN – ÁP DỤNG CHO MỌI LỚP
1. Vây luôn căng (Betta splendens), nhưng chỉ thể hiện sự hung dữ khi thấy cá khác (lỗi rất nhẹ).
2. Vây căng, nhưng mang hiếm khi phùng ra và chỉ thể hiện khi thấy cá khác (lỗi nhẹ).
3. Vây ít căng, mang ít khi phùng ra và không phản ứng nhiều với cá khác (lỗi nặng).
4. Không thể hiện cũng như phản ứng đối với cá khác (lỗi nghiêm trọng).
5.10 HỖ TRỢ CHẤM ĐIỂM
Nguồn: http://www.diendancacanh.com