Chương 5: Phụ lục – Tiêu chuẩn đuôi tưa
Cập nhật ngày 15/07/2005
Cá đuôi tưa tia chéo
Mô tả
Đuôi tưa là một loại cá betta “đuôi tua” (fringe-finned) (bao gồm Betta splendens, Betta imbellis, Betta smaragdina và bất cứ loài cá lai nào khác) tức những tia vây nhô hẳn ra khỏi màng vây. Màng giữa các tia vây bị triệt thoái, kết quả bề ngoài cá đuôi tưa trông giống như vỏ sò.
Cá đuôi tưa không phải là “đuôi lược” hay bất cứ loại đuôi tua (fringed) nào khác. Xin nhấn mạnh rằng cá betta đuôi tua (fringed) có thể và nên tham dự vào các lớp triển lãm khác, nơi mà những tia vây kéo dài KHÔNG bị coi là lỗi.
Các tia vây kéo dài nên dày, thẳng và nổi bật. Phần tia kéo dài ở loại tia đôi (double-ray) nên hơi cong ra phía ngoài để tạo hiệu ứng “tia chéo”.
Định nghĩa
Vì mục đích đánh giá và sắp xếp vào lớp này, cá đuôi tưa đực tham gia triển lãm phải có màng vây triệt thoái ít nhất 33% trên chiều dài tia vây ở MỖI ba vây chính (vây lưng, đuôi và vây hậu môn). Với cá cái, con số tối thiểu là 25%. Yêu cầu này phải được thỏa mãn ở cả ba vây chính nhưng KHÔNG bắt buộc phải đạt trên TẤT CẢ các tia vây.
Các loại đuôi tưa
Hình dưới đây minh họa một số dạng màng vây triệt thoái thường thấy ở cá đuôi tưa:
Tia đôi (double ray) – màng vây triệt thoái ở hai cấp độ; cấp độ giữa một cặp tia nhánh và cấp độ khác (thường lớn hơn) giữa các tia vây. Tia tứ (4-ray) và tia bát (8-ray) ít phổ biến hơn và nếu có thì hầu như chỉ xuất hiện ở đuôi mà thôi.
Tia đơn (single ray) – một cách lý tưởng, màng vây phải liền lạc và triệt thoái đều trên tất cả các tia sơ cấp và tia nhánh.
Tia chéo (cross ray) – như minh họa, tia chéo là những cặp tia vây bắt chéo với nhau.
Ví dụ
Con cá ở dưới vượt quá yêu cầu cơ bản vì có màng vây triệt thoái đến 50% ở cả ba vây chính.
Cá này cũng có tia chéo như ở hình đầu tiên trong bài này. Với vây lưng và vây hậu môn, phần tia vây kéo dài dài hơn phần tia vây có màng vây. Vây bụng cũng có màng vây triệt thoái trên 50%.
Còn con cá dưới đây có tia đôi nhưng mỗi hai tia lại tách riêng – gọi là tia hai đôi (DDR). Hiệu ứng này phân bố đều trên cả đuôi. Góc xòe của đuôi cũng đạt 180 độ, phù hợp với tiêu chuẩn chung.
YÊU CẦU VỀ VÂY
ĐUÔI
Đuôi phải phô bày vẻ đẹp của một vương miện (crown). Các tia đuôi tối thiểu phải là tia đôi. Tia tứ hay nhiều hơn cũng được đánh giá tương tự. Các tia vây kéo dài ở loại tia đôi có thể thẳng hay cong thành tia chéo. Yêu cầu về góc xòe đuôi cũng tương tự như những loại cá đuôi đơn ngoại trừ không cần cạnh đuôi phải thẳng. Tia vây thẳng được chấp nhận nhưng tia vây hình chữ V hay cong ra ngoài như ở loại tia chéo được ưu tiên hơn.
Dạng tia tự do (random ray) là tia đơn lẫn trong tia đôi hay tia tứ và bị coi là lỗi.
VÂY HẬU MÔN
Chấp nhận các tia vây hơi cong nhưng phải song song và tia vây thẳng được ưu tiên hơn.
VÂY LƯNG
Chấp nhận các tia vây hơi cong nhưng tia bị gấp khúc và vẹo là lỗi đối với tiêu chuẩn chung.
VÂY BỤNG
Ở cá đuôi tưa, cặp vây bụng phải có răng cưa.
Hiệu ứng bong bóng
Một đặc điểm về vây dường như chỉ xuất hiện ở cá đuôi tưa là hiệu ứng “bong bóng”. Đó là phần màng vây dư giữa tia sơ cấp và nhị cấp trông giống như cái dù. Màng vây dư giữa các tia nhánh ở loại tia đôi gọi là “balok” – có hình tam giác. Hình chụp không thể hiện hết hiện tượng này – cách mà phần dư chuyển động mỗi khi cá bơi làm cho hiệu ứng trở nên rất đặc trưng. Nếu phân bố đều, hiệu ứng này được chấp nhận nhưng không phải là đặc điểm được ưu tiên.
Cá đuôi tưa có bong bóng.
Lưu ý trong việc đánh giá cá đuôi tưa
Các đặc điểm mong muốn ở cá đuôi tưa:
1. Đối với cá đực, màng vây phải triệt thoái tối thiểu 33% ở mỗi vây chính.
2. Đối với cá cái, màng vây phải triệt thoái tối thiểu 25% ở mỗi vây chính.
3. Tia vây kéo dài phải cân đối, đồng nhất về độ dài và khoảng cách.
4. Tia vây kéo dài ở vây lưng và vây hậu môn phải thẳng.
5. Đuôi chỉ có tia đôi hay tia tứ.
6. Màng vây triệt thoái 50% ở tất cả các vây chính là LÝ TƯỞNG.
Cá đuôi tưa cái – chất lượng chung rất tốt nhưng màng vây đuôi phải triệt thoái nhiều hơn mới đạt chuẩn.
HƯỚNG DẪN VỀ LỖI
Các tiêu chuẩn chung ở chương này phải được áp dụng cho cá đuôi tưa. Tia đuôi cong, góc đuôi xòe đủ 180 độ, kích thước tối thiểu… được đề cập trong hướng dẫn về lỗi. Đặc điểm về màu sắc theo các tiêu chuẩn đặc biệt cũng được áp dụng với cá đuôi tưa.
Dưới đây những đánh giá bổ sung đối với cá đuôi tưa:
LỖI RẤT NHẸ
1. Tia vây kéo dài hơi mảnh.
2. Có duy nhất một tia đơn.
3. Tia vây kéo dài phân tách hơi không đều.
4. Có một bong bóng hay các nếp “balok”.
5. Có bong bóng/hay hiệu ứng balok nhưng giữa một số tia vây lại không có.
LỖI NHẸ
1. Tia vây kéo dài không đều.
2. Tia vây kéo dài tự do (random).
3. Tia vây kéo dài cong vẹo.
4. Tia vây kéo dài mảnh mai.
5. Tia vây kéo dài phân tách không đều.
6. Vây hậu môi không có tia vây kéo dài.
7. Một tia vây kéo dài bị gãy.
8. Có nhiều bong bóng/nếp balok ngẫu nhiên.
9. Có bong bóng/hay hiệu ứng balok nhưng giữa 1/3 số lượng tia vây lại không có.
LỖI NẶNG
1. Nhiều tia vây kéo dài bị gãy.
2. Có bong bóng/hay hiệu ứng balok – phân bố ngẫu nhiên từ 1/3 đến 2/3 đuôi.
3. Có bong bóng/hay hiệu ứng balok – chỉ xuất hiện trên một vây.
LỖI NGHIÊM TRỌNG
1. Tia vây kéo dài triệt thoái <33% trên một vây (<25% đối với cá cái).
LỖI BỊ LOẠI
1. Tia vây kéo dài triệt thoái <33% trên hai hay ba vây (<25% đối với cá cái). Cá đuôi tưa đuôi đơn hay đuôi kép đều được đánh giá trong cùng lớp màu của cá đuôi tưa.
Cá đạt chuẩn đuôi tưa theo định nghĩa ở đây PHẢI được xếp vào thể loại đuôi tưa trong hệ thống triển lãm của IBC. Chỉ có những ngoại lệ mới được xếp vào các ngành Đột biến Hình dạng và Màu sắc.
Ghi chú
– Đuôi tua (fringled) hay đuôi lược (combtail) là loại đuôi “lởm chởm”, màng vây các loại này không triệt thoái đủ mức tối thiểu 33% như ở đuôi tưa.
– “Tia vây nhô ra” hay “màng vây bị triệt thoái” có ý nghĩa tương đương nhưng cách gọi “màng vay triệt thoái” chính xác hơn vì trên thực tế, nhờ màng vây “co lại” nên các tia vây mới “nhô ra”.
Nguồn: http://www.diendancacanh.com