Tiêu chuẩn cá betta plakat đẹp

Đề xuất mới về tiêu chuẩn plakat
Tác giả Joep Van Esch – Nguồn http://www.bettas4all.nl & Flare! 4/2008

Giới thiệu
Cá betta đuôi ngắn ngày càng phổ biến hơn trong thế giới betta bởi vì dáng vẻ gọn gàng, khỏe mạnh của chúng. Chúng thường có lợi thế hơn so với betta đuôi dài ở khả năng mang bộ vây cả đời và ít bị bệnh thối vây. Cá betta đuôi ngắn, thường gọi là plakat có quan hệ gần với betta hoang dã Betta splendens. Qua nhiều thế hệ, những nhà lai tạo Thái Lan lai tạo loại cá hoang với mục đích phát triển khả năng và cách thức chiến đấu, độ bền, kích thước và màu sắc. Cách lai tuyển chọn này tạo ra các dạng màu sắc và đuôi mà chúng ta biết ngày nay.

Trong nhiều năm trời, plakat truyền thống (bất đối xứng) là thể loại duy nhất trong các triển lãm về cá betta nhưng rồi cơn sốt cá halfmoon đã kéo theo sự phát triển của dạng cá đuôi ngắn. Việc lai xa cá plakat truyền thống với halfmoon đuôi dài tạo ra cá halfmoon plakat. Hình dạng bên ngoài của chúng là bất đối xứng và bao gồm đặc điểm của cả hai dòng plakat truyền thống (bất đối xứng) và halfmoon. Bên cạnh sự phân nhánh của tia đuôi, việc lai xa với cá halfmoon cũng làm gia tăng phân nhánh ở vây hậu môn và vây lưng do đó ảnh hưởng đến hình dạng và kích thước của chúng. Cả hai loại plakat đều là dạng bất đối xứng không chỉ bởi vì các tia phân nhánh ở viền (phần rìa) của đuôi mà còn bởi chiều dài và hình dạng của vây hậu môn và vây lưng. Vào năm 2005, IBC chính thức phân biệt plakat truyền thống (bất đối xứng) và plakat cảnh bất đối xứng bằng cách tạo ra một tiêu chuẩn riêng cho hai thể loại này.

Khi lai với cá halfmoon đuôi dài, mục đích chính là tạo ra cá có hình dạng đối xứng. Sự ưa chuộng ngày càng gia tăng đối với plakat cảnh bất đối xứng dẫn đến sự hình thành của một loại plakat khác, plakat cảnh đối xứng. Đây là loại cá đuôi ngắn tương đồng với halfmoon đuôi dài và thường được gọi là “shortmoon” (tiểu bán nguyệt). Vào năm 2007, thể loại này được IBC chính thức công nhận là thể loại plakat thứ ba.

Tiêu chuẩn hình dạng

Plakat truyền thống (bất đối xứng):

Hình ảnh

• Hình dạng tổng thể: hình dạng bất đối xứng chủ yếu gây ra bởi kích thước và hình dạng của vây hậu môn tuy nhiên độ rộng, độ dài và hình dạng của vây bụng và vây lưng cũng đóng một vai trò quan trọng.

• Thân: plakat truyền thống (bất đối xứng) có thân hình thuôn dài nhất trong số ba thể loại plakat. Thân không nên quá to hay quá nhỏ so với bộ vây. Lưng nên trơn tru, không lồi lõm. Phần thân sau gần như đối xứng (giống như hình phản chiếu qua đường trung tâm) với gốc đuôi mạnh mẽ. Vảy phải thật đều.

• Vây lưng: phải tròn trịa hay hơi nhọn về phía sau. Gốc vây lưng bằng khoảng 1/3 kích thước vây hậu môn. Phần chóp của vây lưng chồng lên phần trên của đuôi. Những tia đầu tiên của vây lưng không nên quá ngắn. Vây lưng không được chồng lên thân.

• Đuôi: nên xòe 180 độ với cạnh đuôi tròn. Đuôi hình tròn hay chóp át bích. Trường hợp đuôi hình át bích, phần chóp nên nằm ở chính giữa đuôi. Chiều dài của tia vây nằm chính giữa đuôi nên bằng một nửa kích thước vây hậu môn (trường hợp đuôi át bích có thể dài hơn một chút). Đuôi xòe rộng nhờ sự phát triển của màng vây giữa các tia vây. Đuôi lý tưởng nên phân nhánh sơ cấp (2 nhánh).

• Vây hậu môn: có dạng hình thang với phần trước ngắn hơn so với phần sau (chóp). Phần trước hơi tròn trong khi phần sau phải nhọn. Tia dài nhất của vây hậu môn nên gấp đôi cạnh đuôi (~ 2/3 kích thước vây hậu môn). Khi giương lên, phần vây phía trước nên hướng ra trước một chút và phần phía sau hơi chồng lên phần dưới của đuôi.

• Vây bụng: hình dạng tương tự hai thanh kiếm với mặt lưỡi hướng về phía sau. Vây bụng dài và mảnh, đều và không bắt chéo nhau. Chiều dài của vây bụng nên từ 2/3 đến 3/4 kích thước của vây hậu môn.

• Vây ngực: như những loại betta cảnh khác.

Hình ảnh

PLAKAT TRUYỀN THỐNG (BẤT ĐỐI XỨNG) – LỖI VÂY VÀ HÌNH DẠNG
1. Độ rộng vây lưng < 1/3 kích thước của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
2. Vây hậu môn và/hay vây lưng phân nhánh (lỗi nhẹ).
3. Các tia phía trước của vây hậu môn và/hay vây lưng quá ngắn (lỗi nhẹ).
4. Đuôi xòe > 165 độ nhưng < 180 độ (lỗi nhẹ).
5. Tia đuôi phân nhiều hơn 2 nhánh, tức 4 nhánh (lỗi nhẹ).
6. Chiều dài vây bụng > 3/4 kích thước của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
7. Độ rộng vây lưng > 1/3 kích thước của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
8. Kích thước của tia vây hậu môn dài nhất không gấp đôi cạnh đuôi (lỗi nặng).
9. Vây hậu môn không có chóp nhọn (lỗi nặng).
10. Đuôi xòe < 165 độ (lỗi nặng).
11. Tia đuôi phân nhiều hơn 4 nhánh (lỗi nặng).
12. Thân quá ngắn hay mập và cũn cỡn (lỗi nặng).
13. Thân quá mảnh mai so với cá hoang dã (lỗi nặng).

ÁP DỤNG TƯƠNG TỰ CHO NHỮNG LỖI CHUNG KHÁC.

Zoom in (real dimensions: 585 x 520)Hình ảnh
Lưu ý rằng những ví dụ ở đây có rất nhiều đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn mô tả ở trên về plakat truyền thống (bất đối xứng) nhưng hãy còn một số đặc điểm cần được cải thiện thêm.

Plakat cảnh bất đối xứng:

Hình ảnh

• Hình dạng tổng thể: hình dạng bất đối xứng chủ yếu gây ra bởi kích thước và hình dạng của vây hậu môn tuy nhiên độ rộng, độ dài và hình dạng của vây bụng và vây lưng cũng đóng một vai trò quan trọng.

• Thân: plakat cảnh bất đối xứng có thân hình tròn trĩnh hơn plakat truyền thống (bất đối xứng). Thân không nên quá to hay quá nhỏ so với bộ vây. Lưng nên trơn tru, không lồi lõm. Phần thân sau gần như đối xứng (giống như hình phản chiếu qua đường trung tâm) với gốc đuôi mạnh mẽ. Vảy phải thật đều.

• Vây lưng: phải có dạng bán nguyệt xòe ra như chiếc quạt. Gốc vây lưng bằng khoảng 1/2 kích thước vây hậu môn. Trường hợp lý tưởng, vây lưng phải hơi chồng lên phần trên của đuôi. Những tia vây đầu tiên (gần phía đầu) phải có kích thước tương đương với các tia khác và hướng về phía trước. Cạnh phía trước có thể sắc hoặc hơi tròn. Vây xòe rộng nhờ sự gia tăng phân nhánh của các tia vây và có thể nhờ cả ở số lượng tia vây. Vây lưng không được chồng lên thân.

• Đuôi: nên xòe 180 độ với tia vây thẳng, cạnh sắc và có hình bán nguyệt (chữ “D” hoa). Chiều dài của tia vây nằm chính giữa đuôi nên bằng một nửa kích thước vây hậu môn. Tia vây nên phân nhánh 4 hay hơn và các nhánh phải phân bố đều. Đuôi xòe > 180 độ (overhalfmoon, OHM) không hề được ưu tiên so với đuôi xòe đủ 180 độ.

• Vây hậu môn: có dạng hình thang với phần trước ngắn hơn phần sau. Vây hơi lài từ trước ra sau và không có chóp nhọn. Tia dài nhất của vây hậu môn nên gấp đôi cạnh đuôi. Khi giương lên, phần vây phía trước nên hướng ra trước một chút và phần phía sau hơi chồng lên phần dưới của đuôi.

• Vây bụng: hình dạng tương tự hai thanh kiếm với mặt lưỡi hướng về phía sau. Vây bụng mập mạp, đều và không bắt chéo nhau. Chiều dài của vây bụng nên bằng tia dài nhất của vây hậu môn.

• Vây ngực: như những loại betta cảnh khác.

Hình ảnh

PLAKAT CẢNH BẤT ĐỐI XỨNG – LỖI VÂY VÀ HÌNH DẠNG
1. Độ rộng vây lưng < 1/2 kích thước của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
2. Vây hậu môn và/hay vây lưng không phân nhánh sơ cấp (lỗi nhẹ).
3. Các tia phía trước của vây hậu môn và/hay vây lưng quá ngắn (lỗi nhẹ).
4. Cạnh trước của vây hậu môn quá tròn (lỗi nhẹ).
5. Chiều dài vây bụng ngắn hay dài hơn tia dài nhất của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
6. Tia đuôi phân nhánh ít hơn 4 (lỗi nhẹ).
7. Cạnh đuôi hơi tròn (lỗi nhẹ).
8. Các tia đuôi ngoài cùng hơi cong (lỗi nhẹ)
9. Độ rộng vây lưng > 1/2 kích thước của vây hậu môn (lỗi nặng).
10. Vây hậu môn có chóp nhọn (lỗi nặng).
11. Kích thước của tia vây hậu môn dài nhất không gấp đôi cạnh đuôi (lỗi nặng).
12. Đuôi xòe < 180 độ (lỗi nặng).
13. Các tia đuôi ngoài cùng cong vẹo (lỗi nặng).
14. Tia vây ở các vây lẻ phân nhánh quá mạnh khiến cho viền vây không được trơn tru (lỗi nặng).
15. Thân quá ngắn hay quá quá mảnh mai (lỗi nặng).

ÁP DỤNG TƯƠNG TỰ CHO NHỮNG LỖI CHUNG KHÁC.

Zoom in (real dimensions: 585 x 520)Hình ảnh
Lưu ý rằng những ví dụ ở đây có rất nhiều đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn mô tả ở trên về plakat cảnh bất đối xứng nhưng hãy còn một số đặc điểm cần được cải thiện thêm.

Plakat cảnh đối xứng:

Hình ảnh

• Hình dạng tổng thể: hình dạng đối xứng chủ yếu gây ra bởi kích thước và hình dạng của vây hậu môn tuy nhiên độ rộng, độ dài và hình dạng của vây bụng và vây lưng cũng đóng một vai trò quan trọng.

• Thân: plakat cảnh đối xứng có thân hình mạnh mẽ và dày hơn plakat cảnh bất đối xứng. Thân không nên quá to hay quá nhỏ so với bộ vây. Lưng nên trơn tru, không lồi lõm. Phần thân sau gần như đối xứng (giống như hình phản chiếu qua đường trung tâm) với gốc đuôi mạnh mẽ. Vảy phải thật đều.

• Vây lưng: phải có dạng vuông vức nhờ việc gia tăng số lượng tia vây và sự phân nhánh của tia vây. Gốc vây lưng bằng khoảng 3/4 kích thước vây hậu môn. Điều quan trọng là kích thước và hình dạng của cả hai không được phá vỡ hình dạng tổng thể. Trường hợp lý tưởng, vây lưng phải hơi chồng lên phần trên của đuôi. Những tia vây đầu tiên (gần phía đầu) phải có kích thước tương đương với các tia khác và hướng về phía trước. Cạnh phía trước nên sắc. Vây lưng không được chồng lên thân.

• Đuôi: nên xòe 180 độ với tia vây thẳng, cạnh sắc và có hình bán nguyệt (chữ “D” hoa). Chiều dài của tia vây nằm chính giữa đuôi nên bằng một nửa kích thước vây hậu môn. Tia vây nên phân nhánh 4 hay hơn và các nhánh phải phân bố đều. Đuôi xòe > 180 độ (overhalfmoon, OHM) không hề được ưu tiên hơn so với đuôi xòe đủ 180 độ.

• Vây hậu môn: có dạng vuông vức song song với thân. Chiều dài các tia vây xấp xỉ với cạnh đuôi và chiều cao của vây lưng để duy trì hình dạng đối xứng. Khi giương lên, phần vây phía trước nên hướng ra trước một chút và phần phía sau hơi chồng lên đuôi.

• Vây bụng: hình dạng tương tự hai thanh kiếm với mặt lưỡi hướng về phía sau. Vây bụng mập mạp, đều, không bắt chéo nhau và cân xứng với những vây khác để duy trì hình dạng đối xứng. Chiều dài tối đa của vây bụng nên bằng 1/3 kích thước vây hậu môn.

• Vây ngực: như những loại betta cảnh khác.

Hình ảnh

PLAKAT CẢNH ĐỐI XỨNG – LỖI VÂY VÀ HÌNH DẠNG
1. Độ rộng vây lưng < 3/4 kích thước của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
2. Vây hậu môn và/hay vây lưng không phân nhánh sơ cấp (lỗi nhẹ).
3. Các tia phía trước của vây hậu môn và/hay vây lưng quá ngắn (lỗi nhẹ).
4. Cạnh trước của vây hậu môn quá tròn (lỗi nhẹ).
5. Chiều dài vây bụng > 1/3 kích thước của vây hậu môn (lỗi nhẹ).
6. Tia đuôi phân nhánh ít hơn 4 (lỗi nhẹ).
7. Cạnh đuôi hơi tròn (lỗi nhẹ).
8. Các tia đuôi ngoài cùng hơi cong (lỗi nhẹ)
9. Độ rộng vây lưng > 3/4 kích thước của vây hậu môn (lỗi nặng).
10. Vây hậu môn có chóp nhọn (lỗi nặng).
11. Vây hậu môn dài dần từ trước ra sau (hình thang) và/hay cạnh sau dài hơn phần dưới của đuôi (lỗi nặng).
12. Đuôi xòe < 180 độ (lỗi nặng).
13. Các tia đuôi ngoài cùng cong vẹo (lỗi nặng).
14. Tia vây ở các vây lẻ phân nhánh quá mạnh khiến cho viền vây không được trơn tru (lỗi nặng).
15. Thân quá ngắn hay quá quá mảnh mai (lỗi nặng).

ÁP DỤNG TƯƠNG TỰ CHO NHỮNG LỖI CHUNG KHÁC.

Zoom in (real dimensions: 585 x 520)Hình ảnh
Lưu ý rằng những ví dụ ở đây có rất nhiều đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn mô tả ở trên về plakat cảnh đối xứng nhưng hãy còn một số đặc điểm cần được cải thiện thêm.

Phần phụ lục

Phần I
Tiêu chuẩn về plakat rất độc đáo so với những tiêu chuẩn khác vì cả ba loại cá đuôi ngắn này đều được công nhận là những thể loại riêng biệt. Trong trường hợp lý tưởng, như mô tả trong từng tiêu chuẩn, cả ba thể loại này rất dễ phân biệt nhưng trên thực tế mọi người thường hay nhầm lẫn. Bởi vì từ thể loại này phát triển thành thể loại kia qua nhiều năm trời lai tuyển chọn cho nên cũng có những loại “trung gian” ra đời. Trong các cuộc triển lãm, đôi khi rất khó khăn để xác định cá thuộc về thể loại nào. Trường hợp đó cá sẽ được xếp vào thể loại mà nó có ít lỗi nhất. Cần hết sức lưu ý rằng những con cá như vậy chưa phải là cá chất lượng hàng đầu nhưng thường là chất liệu tốt để lai tạo với mục đích tạo ra dòng cá chất lượng hơn.

Phần II
Với mục đích lai tạo và phát triển dạng đuôi halfmoon hoàn hảo, các nhà lai tạo cá betta tuyển chọn cá của mình dựa trên hàng loạt đặc điểm chẳng hạn như cạnh đuôi/tia vây thẳng và phân nhánh mạnh. Để đạt được mục tiêu này và cải thiện các tính trạng, cá thường xuyên được lai cận huyết. Mục tiêu lai tạo cá halfmoon hoàn hảo thông qua phương thức lai tạo này làm nảy sinh một yếu tố mà nó ảnh hưởng đến các loại betta cảnh như chúng ta thấy ngày nay, yếu tố “đuôi hoa”.

Mặc dù có rất nhiều dạng đuôi hoa ở nhiều cấp độ khác nhau, đặc điểm chính của đuôi hoa là phân nhánh tia vây trên các vây lẻ quá mạnh khiến ảnh hưởng đến hình dạng tổng thể của bộ vây. Ở dạng cực hoa, đuôi thường có hình thoi/hoa. Các tia vây bên ngoài thường bị cong vẹo về phía trước. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về đuôi của cá halfmoon quy định rằng đuôi phải có hình chữ D với các tia vây thẳng.

Những đặc điểm thường đi đôi với cá “đuôi hoa” gồm:

• Hình dạng không cân đối (vây nhỏ so với thân) – – > Một cách lý tưởng, kích thước của bộ vây phải tỷ lệ với kích thước của thân.
• Vảy không đều – – > Một cách lý tưởng, vảy phải sắp thẳng hàng với kích thước gần bằng nhau và phân bố đều trên thân.
• Màu nhợt nhạt – – > Ở cá betta bình thường, màu sắc thường đậm và phân bố đều hơn.

Hình ảnh

Đối với các thể loại plakat được mô tả trong tiêu chuẩn, những vấn đề như trên hầu như được phát hiện ở các thể loại plakat cảnh đối xứng và plakat cảnh bất đối xứng bởi vì mối liên hệ của chúng đối với dạng đuôi halfmoon. Một khi các tiêu chuẩn được mọi người hiểu một cách thấu đáo, dạng đuôi cực hoa sẽ không còn chỗ đứng trong các cuộc triển lãm và trong một số trường hợp có thể bị loại ngay từ đầu.

Ghi chú
Phân biệt “phân nhánh sơ cấp” (tức 2 nhánh) khác với “nhánh sơ cấp” (tức nhánh đầu tiên).

Nguồn: http://www.diendancacanh.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.