Tiến sĩ Gene Lucas – nguồn http://www.bettas4all.nl
Một trong những vấn đề nhức đầu đối với các nhà lai tạo cá betta đơn sắc để tham dự triển lãm đó là sự hiện diện thường trực, nhất là ở vây, của hai màu hoà vào nhau. Ở loại cá đơn sắc, điều này được xem như là một nhược điểm nghiêm trọng. Tôi nghĩ đặc điểm như vậy bị coi là lỗi dựa trên các tiêu chuẩn triển lãm và sự tồn tại của chúng buộc các nhà lai tạo phải tuyển chọn cá theo hướng định sẵn, mà điều đó có thể hạn chế sự phát triển của những dòng cá mới một khi chúng chưa được công nhận bởi các tiêu chuẩn triển lãm và chấm điểm. Tôi sẽ mô tả về vấn đề này ở cá betta, rồi mô tả chi tiết về ảnh hưởng của các tiêu chuẩn.
Một con cá betta đuôi delta đa sắc xanh. Nó được coi là cá xanh bị “nhiễm” đỏ hay “lem” đỏ ở vây. Cá không hoàn toàn đỏ hoặc xanh vì cả hai màu trên đều thuộc loại đơn sắc trong các cuộc triển lãm.
“Lem” hay “Nhiễm” màu ở cá betta
Thuật ngữ thông dụng nhất thường được nghe khi người ta trao đổi về những con cá như vậy là “vây xanh bị lem đỏ” hay “vây đỏ bị nhiễm xanh”. Tôi xin đưa ra một bức ảnh điển hình về con cá bị tình trạng này. Hầu hết mọi người đều nhận ra đấy là kiểu đột biến màu sắc phổ biến, nó được xếp vào loại cá “đa sắc” từ khi tiêu chuẩn về màu sắc của IBC được xây dựng. Con cá này xuất phát từ bầy có cá cha mẹ là xanh và đỏ, với mục đích tạo ra cá màu tím.
Mặc dù con cá này nhìn chung hơi tím, nó hoàn toàn không gồm hai màu tách bạch mà chỉ đỏ ở một số nơi và xanh ở những nơi khác. Hầu hết cá betta trong các bầy lai đều thuộc dạng này. Vấn đề ở đây đó là chúng không hoàn toàn là cá đơn sắc hay nhị sắc (thân một màu và vây một màu khác). Sự pha trộn màu sắc khiến tạo ra màu nền (trường hợp này là đỏ) và “màu vỏ” (trường hợp này là màu xanh).
Mặc dù có rất nhiều loại cá betta đơn sắc nền sẫm, nhưng không có màu nào hoàn hảo. Màu đỏ đẹp nhất mà tôi gọi là đỏ hồng đào. Chúng mạng gen “bóng” (blond) mà nó làm giảm màu đen và dường như giúp cải thiện mức độ đỏ. (Màu đỏ có thể đậm và lan rộng trên vây của cá cambodian nhưng thân chúng lại nhạt. Màu của chúng không bao giờ tốt bằng màu đỏ sậm). Thật không may, hầu hết cá đỏ đều có viền đen hay chấm đen hình oval trên mặt vảy. Màu đỏ dường như phát triển chậm hơn các màu khác và đi sau sự phát triển của vây. Điều này rất rõ rệt, nhất là ở cá đực đuôi dài. Nhược điểm ở đây là màu tại chóp vây thường mỏng và nhạt đi khi đuôi dài ra.
Ở cá betta ánh kim như xanh dương và xanh lục, các sắc tố thường phát triển rất mạnh lấn át các sắc tố khác. Nó cũng lan rộng trên khắp bề mặt thân và vây ngoại trừ ở vây ngực và kỳ. Ở cá hoang dã, sắc tố này bị giới hạn thành các hàng và đốm trên mặt vảy và các vệt hay hoa văn trên vây. Tuy nhiên, có một giới hạn đáng chú ý ngăn cản sắc tố lan rộng toàn thân. Đó là màu sắc dường như không bao giờ lan lên đến đầu và vây ngực. Những nơi này nên có màu sắc. Những nhà lai tạo nghiêm túc luôn nỗ lực cải thiện điều này. Vây ngực thường trong suốt còn vây bụng thường màu đỏ với chóp trắng. Cá xanh với vây bụng đỏ là điều không mong muốn, mà nên có màu xanh (xanh lục, xanh thép, xanh dương).
Các thể loại màu của IBC bao gồm đơn sắc đỏ hay đơn sắc xanh (hay đơn sắc tím nếu có). Một loại khác là nhị sắc khi mà thân màu xanh còn vây màu đỏ (hay ngược lại) nhưng ở cá nhị sắc, các màu nên giới hạn chỉ ở thân hoặc ở vây. Sự lem màu từ thân sang vây hay ngược lại bị coi là lỗi nặng trong thể loại nhị sắc. Thân con cá betta trong ví dụ có màu tím thuần nhưng vây không ra đỏ hay xanh. Sử dụng thuật ngữ như mô tả ở trên, trong trường hợp này chúng ta có thể nói cá bị nhiễm đỏ hay lem đỏ lên màu xanh (hay nói cách khác, màu đỏ bị nhiễm xanh và màu xanh bị lem đỏ), gọi cách nào cũng được.
Tiêu chuẩn đánh giá cá betta xếp loại màu này vào loại đa sắc, dù gọi như vậy nhưng tôi tin không mấy nhà lai tạo cố tình lai tạo chúng. Tôi cho rằng chúng hầu hết đều xuất phát từ những bầy cá đơn sắc và nên huỷ đi nếu bầy cá được tuyển chọn để tham dự thể loại cá đơn sắc. Nhiều con chỉ có thể liệt vào loại tự do (Form and Finnage) mà nó vốn được lập ra để đánh giá những con cá xuất sắc nhưng lại không thuộc thể loại đơn sắc.
Thúc đẩy các nhà lai tạo lai cá theo tiêu chuẩn
Bởi vì tôi ủng hộ các tiêu chuẩn chấm điểm nên tôi cần nói rõ về đề tài này. Nhìn chung, việc thiết lập các tiêu chuẩn và thể loại là vô cùng cần thiết. Tất cả vật nuôi (cá, bò sát, chim ưng, động vật có vú…) hay cây trồng (hoa, cây ăn trái, gỗ…) trong mọi cuộc thi đều hướng đến tiêu chuẩn. Những đặc điểm tiêu chuẩn bao gồm hình dạng, màu sắc, hoa văn, mùi vị, độ tăng trưởng, sức chịu đựng…
Nếu chúng ta muốn tham dự triển lãm, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị ở một mức độ nào đó. Chừng nào còn có sự khác biệt thì còn có những ý kiến khác nhau về những gì “đẹp nhất” hay được mong đợi nhất. Giải pháp cho vấn đề này là xây dựng một hệ thống để sắp xếp tất cả vào đúng thể loại của chúng. Do đó mà các cuộc triển lãm, trường đua hay những dạng thi đấu khác được tổ chức thành vô số thể loại, phân loại hay những cấp độ phân loại dự thi khác nhau để phục vụ mục đích này. Tốt nhất, các thể loại nên do những người có kinh nghiệm quyết định, họ sẽ xây dựng những bộ tiêu chuẩn hợp lý đối với hàng loạt nhóm bất kỳ dựa trên một nền tảng chung.
Làm sao có thể so sánh giữa cây táo và hoa mai? Hãy tưởng tượng một cuộc triển lãm chó mà tất cả được xếp chung vào một thể loại. Làm sao có thể xác định được con thắng cuộc? Việc đánh giá sẽ là cảm tính, thiếu định hướng và hoàn toàn chủ quan. Một trọng tài có thể thích chó với kích thước nhất định, trọng tài khác ở màu sắc, người khác nữa ở trí khôn của nó, và vân vân. Đây là bí quyết để biến sự hỗn độn thành có trật tự. Hãy liên hệ về bất cứ loài nào từ chó cho đến hoa huệ, và bạn sẽ tìm ra chân lý. Ví dụ, nếu bạn từng theo dõi chương trình Triển lãm chó Westminster trên TV thì bạn sẽ hiểu ý tôi.
Hãy lấy triển lãm chó làm ví dụ. Mọi người sẽ thấy rằng có nhiều loại chó thuần dưỡng khác nhau. Chúng được phát triển thành những loại chuyên biệt trong một thời gian dài và trên thực tế, những dòng mới đang được tạo ra dựa trên những dòng có sẵn. Những dòng chó được di truyền một số đặc điểm vốn được duy trì ở chó thuần dưỡng. Không cần đưa ra thật nhiều dòng chó để minh chứng cho những dòng lai khác nhau. Hãy xem xét một đặc điểm của chúng:
1. Kích thước. Chó có nhiều kích cỡ, từ những dòng tí hon (Chihuahua) nặng vài trăm gram đến dòng khổng lồ (Saint Bernard) nặng đến vài trăm kilogram. Mỗi dòng đều có tầm cân nặng nhất định… và giới hạn.
2. Màu sắc. Chó có nhiều màu từ trắng, vàng, đỏ và đen đến đa sắc (German Shepherd, Doberman…) và hàng loạt hoa văn, kiểu lông thảm (Collie, Beagle…), và những kiểu đốm (Dalmatian, Pointer…) cùng những màu khác.
3. Lông. Có thể thẳng, lượn sóng, xoăn tít… có thể dài, trung bình, ngắn hay thậm chí không có lông! Lông có thể trơn tru và mượt hay thậm chí thô ráp (như một số con Char-pei). Bên cạnh bộ lông tự nhiên, lông chó có thể được tỉa tót thành hình dạng và hoa văn độc đáo. Lông có thể được nhuộm, tỉa tót và vuốt để trông phù hợp hơn so với tiêu chuẩn.
4. Hình dạng. Các dòng có thể được phát triển dựa trên một số đặc điểm chẳng hạn như mặt ngắn (Pug, Boxer…) hay chân rất ngắn (Daschund, Bulldog…), kích thước tai, thân hình (Great Dane, Boxer…) vân vân. Một vài bộ phận có thể được “cải thiện” và thường là bằng phương pháp nhân tạo như tỉa tai và đuôi.
5. Mức độ thân thiện. Mức độ thân thiện của chó từ hiền lành và đáng yêu (Golden Retriever, Border Collie) đến hung dữ và nguy hiểm (Pit Bull, Chow…). Một số chó nhỏ rất hung dữ nhưng một số chó khổng lồ lại rất hiền lành.
6. Công dụng. Nhiều dòng chó được phát triển với mục đích đặc biệt chẳng hạn như kéo xe, chăn cừu, gia súc…, truy lùng, bao gồm theo dấu vết người và đánh hơi hành lý, chạy đua, canh nhà và vân vân. Một số chỉ để chơi và làm bạn.
Bản tóm tắt ở trên cho thấy rằng chỉ với một vài đặc điểm cũng có thể sắp xếp thành vô số kiểu kết hợp. Điều này có thể không thấy rõ khi quan sát những dòng chó khác nhau nhưng nếu khảo sát kỹ từng loại thì người ta sẽ thấy chúng bao gồm các đặc điểm kể trên. Tôi không muốn đi quá sâu vào chi tiết do tôi chỉ muốn sử dụng chó như là một ví dụ vì mọi người biết nhiều về chúng.
Bởi vì sở thích chính của tôi là cá betta, tôi sẽ sử dụng các tiêu chuẩn của IBC để minh hoạ. Một nhóm màu chính của cá betta gọi là “đơn sắc sẫm”. Chúng được phân thành “ánh kim” (gồm ba loại: xanh dương, xanh lục và xanh thép) và “không ánh kim” (gồm hai loại: đỏ và đen). Cá lý tưởng thuộc mỗi loại phải có màu đơn sắc tương ứng với loại đó. Một uỷ ban sẽ ban hành các tiêu chuẩn đánh giá cho mỗi loại. Màu sắc nên đậm và sạch và bao phủ toàn thân cá. Ở các loại này, sự hiện diện của bất cứ màu nào khác được xem là lỗi và càng xuất hiện nhiều thì lỗi càng nặng.
Việc phát hiện lỗi là dễ dàng trong khi chấm điểm nhưng luôn có câu hỏi. Đâu là màu xanh lục hay đỏ lý tưởng? Cá xanh lục biến thiên từ xanh lá mạ qua xanh lá cây đến xanh ngọc. Màu đỏ biến thiên từ “đỏ cam” qua đỏ đào, đỏ huyết đến đỏ bầm. Màu xanh lục được ưa thích nhất là xanh lá cây và màu đỏ được ưa thích nhất là màu đỏ đào hay đỏ huyết. Một trọng tài có thể dễ dàng phát hiện ra lỗi nhưng vẫn chủ quan trong việc đánh giá đâu là màu xanh lục hay đỏ đẹp nhất. Việc cung cấp những bảng màu và hình ảnh mẫu để so sánh đã từng xảy ra nhưng không được phổ biến cho lắm. Đồng thời, nó cũng hạn chế sự phát triển của một số đột biến khác. Màu cam là một ví dụ, nó trở nên phổ biến vì được đánh giá là dòng cá tốt, nhưng những nhà lai tạo muốn chiến thắng trong các triển lãm sẽ không duy trì và lai tạo dòng cá này bởi vì hiện chưa có thể loại betta cam do đó chúng bị xem là loại cá đỏ kém chất lượng (VNRD: đó là vào thời điểm 2002, hiện tại dòng vàng/cam/trong suốt đã được IBC công nhận).
Kết luận
Tôi đã thảo luận về vấn đề màu sắc của cá betta ở khía cạnh mà mọi người ít quan tâm đến. Hầu hết cá betta bán ngoài tiệm đều có màu đa sắc. Các cuộc triển lãm công nhận chúng và chúng cũng chính thức được xếp vào một thể loại. Tại sao lại không? Chúng rất hấp dẫn và dễ lai tạo. Tuy nhiên, chúng lại bị các nhà lai tạo màu “thuần” đánh giá là kém giá trị. Những nhà lai tạo này, nếu quan tâm nghiêm túc đến việc tham dự triển lãm, sẽ loại bỏ những con như vậy khỏi dòng cá của mình.
Tôi đã bày tỏ mối quan tâm đến sự tác động của những tiêu chuẩn triển lãm đến sự phát triển của những dòng hay dạng cá mới. Với tư cách là nhà di truyền học, người yêu thích những điều mới mẻ và khác biệt, tôi rất thích những cá thể lạ vốn đang được duy trì. Tôi không nghĩ mình là người duy nhất có ý kiến như vậy. Các bạn có ý kiến gì không?
Tiến sĩ Gene A. Lucas
Chuyên mục BETTAS… AND MORE
Tạp chí FAMA, số tháng 6/2002
Nguồn: http://www.diendancacanh.com/
Người dịch: Nguyễn Trung Đại – vnreddevil