Phương pháp ấp phao cho cá betta
Các bạn chơi betta đều biết có nhiều cách ấp trứng: cá cha ấp, cá dzú ấp, ấp mực nước thấp..v…v. Hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn cách ấp phao, một cách ấp trứng mà theo mình khá hiệu quả và dễ thực hiện.
Chuẩn bị:
– Làm phao: Có nhiều cách làm phao. Làm phao bằng hộp nhựa quấn cao su, làm bằng khung thêu (cái này tên vienphuong xúi), mình chọn cách làm phao của bác cedric vì dễ thực hiện & nguyên vật liệu dễ tìm.
Đầu tiên chọn 1 tấm xốp có độ dầy 1 -> 1.5cm cắt thành hình vuông mỗi cạnh 12 -> 15cm (bạn cũng có thể cắt hình tròn, hình chữ nhật, hình gà, hình cá gì tùy thích vì nhiệm vụ của miếng xốp chỉ là làm phao )
– Làm vợt: lấy một hũ nhựa có đường kính miệng hũ ~10cm cắt rời phần miệng hũ chiều cao ~5cm, dùng lưới khít (lọai lưới vợt vớt bobo) bọc phần miệng hũ lại. Để vợt được căng ta trùm lưới lên miệng hũ rồi dùng thun cột lại sau đó kéo căng lưới rồi quấn băng keo.
– Lắp ghép: Ấn phần miệng hũ vào miếng xốp để lấy dấu, dùng dao khóet một lỗ theo dấu vừa lấy sao cho khi lắp hai bộ phận vào thì vừa khít.
– Điều chỉnh: sau khi ghép 2 bộ phận thì thả vô nước, vợt sẽ nổi nhờ miếng xốp. Điều chỉnh miếng xốp (đưa lên kéo xuống) sao cho phần đáy lưới chìm dưới mặt nước ~5mm.
Ấp trứng:
– Cho cá ép: Mình ép trong chậu nhựa 25 x 35cm, mực nước cao ~7cm, sử dụng giá thể là lá bàng để tổ bọt bám chắc vào lá. Khi cá ép xong vớt cả trống lẫn mái ra.
– Vớt trứng: Dùng tay nhấc miếng lá bàng lên, cả tổ bọt dưới lá bàng cũng lên theo. Đưa miếng lá bàng lên trên vợt phao rồi dùng muỗng múc nước xối lên cả tổ bọt sẽ trôi nhẹ nhàng vào phao.
Nếu bạn làm giá thể là 1 miếng xốp khi nhấc lên cả tổ bọt sẽ “ở lại”, dùng muỗng múc cả tổ bọt cho vào vợt. Trong quá trình làm sẽ có những trứng rơi ra khỏi tổ bọt, dùng muỗng múc hết (trứng nổi) hay dùng ống hút (trứng chìm) để thu gom.
Khi trứng đã yên vị trong phao rồi thì ta dùng băng keo cố định phao vào thành chậu và sục khí nhẹ.
Đến đây các bạn sẽ nhận ra rằng ấp phao thực chất cũng là ấp mực nước thấp nhưng với lượng nước rất nhiều. Lượng nước 6-7 lit kết hợp với sục khí nhẹ tạo ra luồn nước luân chuyển phía dưới phao giúp nước bên trong phao không ô nhiễm, luôn sạch và đủ oxy.
Trứng nở:
Quan sát khi cá bột bơi ngang được trong phao thì ta thả cá ra. Nghiêng phao, nhấn chìm phao xuống nước để giải phóng cá.
Cá đã bơi ngang được nên các bạn có thể cho ăn ngay, thức ăn thì tùy sở trường mỗi người nhé.
Ưu điểm của ấp phao:
– Cá cha ít mệt nên có thể “tái sử dụng” trong thời gian ngắn.
– Thu được nhiều cá bột, có thể nói trứng nào được thụ tinh là lấy.
– Quan sát và can thiệp thỏai mái trong quá trình ấp, tránh được rủi ro cá cha ăn con, ăn trứng.
Khuyết:
– Cá bột tự lập sớm nên bạn phải có chế độ chăm sóc chu đáo.
– Vì không có cá cha tiêu diệt nên bầy cá có những con ốm yếu chậm phát triển => bầy cá nhiều size, gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng.
Xong rồi, bây giờ bạn có thể thử. Xin nói thêm là nếu bạn muốn áp dụng phương pháp này thì đừng bắt đầu bằng bầy cá quí nhé!
Chúc bạn thành công
Nguồn diendancacanh
cho hỏi ep bang cach đó thi oxi minh cần thỏi trực tiep1 vào trưng hay chi thoi gaz2n cạnh thoi, dáy lưới hoi kho canh 5mm neu hon mot chuc co duoc ko, hay chi là vừa ngập trứng là duoc,